Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt
Ngày đăng: 01:08:45 30-09-2014 . Xem: 9734
SVO - Thiền Viện Trúc Lâm là thiền viện thuộc dòng Trúc Lâm Yên Tử chi nhánh thành phố Đà Lạt. Thiền viện cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5 km, nằm trên núi Phụng Hoàng, phía trên Hồ Tuyền Lâm. Đây không chỉ là thiền viện lớn nhất Lâm Đồng, mà còn là điểm tham quan và chiêm bái của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Khoảng vài năm trở lại đây, du khách có dịp lên tham quan Tp. Đà Lạt hầu như không ai là không đến viếng cảnh Trúc Lâm Thiền viện, một chùa mới xây dựng, một cảnh quan vô cùng thanh thoát bởi sự hòa hợp tuyệt diệu giữa thiên nhiên hùng vĩ bao la và tư tưởng thiền Phật giáo. Thiền viện nằm trên một ngọn đồi cao, giữa ngàn thông xanh ngắt, bên cạnh hồ Tuyền Lâm, do Hòa Thượng Thích Thanh Từ khai sơn xây dựng và Phật tử gần xa phát tâm cúng dường, được khởi công từ tháng 5-1993 và khánh thành tháng 2-1994.Từ trung tâm TP Đà Lạt đi theo quốc lộ 20 xuống đèo Prenn độ hơn 4km, có một con đường đá rẽ phải, đầu đường có một tượng Phật Thích Ca ngồi dưới gốc bồ đề, đó là đường đi lên Trúc Lâm Thiền viện.
Đi hết con đường đá độ non cây số, nếu đi bằng xe hơi thì sẽ chạy lên một con đường nhựa vòng quanh chân đồi, đến đỉnh đồi là sân chùa. Còn nếu đi bộ, khách sẽ băng qua mặt đập hồ Tuyền Lâm, đi theo một con đường đất rồi lên chùa qua 3 cửa tam quan và 222 bậc cấp, dưới bóng mát của hàng thông xanh vi vu trong gió. Các cổng tam quan được xây dựng theo lối kiến trúc Đông phương, mái cong, lợp ngói có khắc danh hiệu "Trúc Lâm Thiền viện, núi Phụng Hoàng" bằng chữ Việt và chữ Hán. Dọc theo 2 cột đứng hai bên có hai câu liễn, cũng bằng chữ Việt và chữ Hán, do Hòa thượng Viện chủ đề.
Ở cổng tam quan thứ nhất, bắt đầu bước vào khuôn viên Thiền viện, ta thấy hai câu liễn giới thiệu khái quát lịch sử hình thành của đạo Phật và của phái Thiền tông Việt Nam phát sinh từ đời Trần.
Đức Phật làm Đông cung, bỏ điện ngọc, lên Bồ đề thành chánh giác.
Giác Hoàng ở ngôi báu, lìa ngai vàng, lên Yên Tử dạy chúng tăng.
Giác Hoàng ở ngôi báu, lìa ngai vàng, lên Yên Tử dạy chúng tăng.
Những bậc cấp bằng xi măng sạch sẽ như thôi thúc bước chân du khách! Lên đến cổng tam quan thứ hai, khách sẽ vô cùng bàng hoàng trước một hồ nước sáng loáng dưới ánh nắng vàng cao nguyên. Chung quanh hồ, các cây liễu rũ rung rinh trong gió. Hồ có sức chứa khoảng 200 mét khối nước, nguyên là một lõm sâu trên đồi do những người làm hồ Tuyền Lâm lấy đất đắp đập tạo nên, từ đó, Hòa thượng nảy sinh ý định xây một cái hồ nhân tạo để vừa tăng thêm vẻ đẹp cho cảnh quan vừa chứa nước vào mùa mưa.
Đến bậc cấp cuối cùng là đến cổng tam quan thứ ba, ta lại gặp hai câu liễn khác:
Đến bậc cấp cuối cùng là đến cổng tam quan thứ ba, ta lại gặp hai câu liễn khác:
Thiếu Thất chín năm đợi gặp Thần Quang truyền Tâm ấn.
Trúc Lâm mười kỷ đã đem Thập Thiện hóa nhân gian.
Trúc Lâm mười kỷ đã đem Thập Thiện hóa nhân gian.
Qua khỏi cổng tam quan này là đến sân chùa. Một cảnh quan tươi đẹp bao la hiện ra trước mắt: Chánh điện với 4 mái ngói cong, cửa thiền rộng mở, lầu chuông bốn bề lộng gió, ngàn hoa khoe sắc như đón chào khách thập phương và xa xa là núi đồi Đà Lạt điệp trùng bao quanh.
Đứng tựa lan can lầu chuông mà nhìn bốn hướng ta mới thấy được tầm nhìn cao rộng của vị hòa thượng chân tu. Khi chọn đỉnh đồi cao này xây dựng chùa để khôi phục giáo phái Thiền tông Việt Nam, một giáo phái đã từng hưng thịnh một thời trong lịch sử dân tộc nhưng đã bị mai một nhiều thế kỷ qua. Trước mắt là hồ Tuyền Lâm trong xanh lấp lánh dưới ánh mặt trời với 5 nhánh suối đổ về như 5 ngón tay trong một bàn tay; đồi thấp, núi cao, rặng thông non xanh mơn mởn, cụm thông già xanh thẫm, rải rác những túp lều nhỏ của người làm vườn trên nương rẫy, ngọn núi Voi vững chãi nhô cao như chứng tích lịch sử và huyền thoại của các dân tộc bản địa còn trường tồn, tất cả đều soi mình xuống mặt hồ Tuyền Lâm. Cảnh vật soi mình xuống mặt nước trong xanh như người tu hành luôn nhìn vào lòng mình, soi rọi vào điều chân, thiện để ngày càng được tin tưởng thêm. Trong lầu chuông, chiếc đại hồng chung nặng 1.100 ký do hai Phật tử cúng dường và nghệ nhân Nguyễn Văn Sinh, pháp danh Tâm Tài, thực hiện ở Phường Đúc - Huế. Quanh mặt chuông có khắc bài thơ của Trúc Lâm Đầu Đà, pháp danh của vua Trần Nhân Tông (1258-1308) lúc xuất gia đầu Phật, tổ sư của phái Thiền tông Việt Nam.
Toàn bộ Thiền viện Trúc Lâm chia làm 3 khu vực: khu ngoại viện, khu nội viện Tăng và khu nội viện Ni. Khu ngoại viện gồm Chánh điện, Nhà khách, Tham vấn đường và Lầu chuông.
Đến thăm Thiền viện Trúc Lâm, ta không thấy sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong kiến trúc xây dựng, mặc dù toàn bộ công trình kiến trúc đều toát lên sắc thái của nền văn hóa Việt Nam, văn hóa Đông Phương. Cái đẹp, cái đặc sắc của Thiền viện là cảnh quan thanh thoát với trời mây non nước bao la, với ngàn thông vi vu gió lộng. Ở đấy, thiền và thiên nhiên hòa nhập làm một. Chính cảnh quan này là sự độc đáo thu hút du khách. Ai đã một lần đến Trúc Lâm Thiền viện mà không thấy tâm hồn mình lâng lâng, nhẹ nhõm, như được trong sáng hơn, thanh sạch hơn.
Toàn bộ Thiền viện Trúc Lâm chia làm 3 khu vực: khu ngoại viện, khu nội viện Tăng và khu nội viện Ni. Khu ngoại viện gồm Chánh điện, Nhà khách, Tham vấn đường và Lầu chuông.
Đến thăm Thiền viện Trúc Lâm, ta không thấy sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong kiến trúc xây dựng, mặc dù toàn bộ công trình kiến trúc đều toát lên sắc thái của nền văn hóa Việt Nam, văn hóa Đông Phương. Cái đẹp, cái đặc sắc của Thiền viện là cảnh quan thanh thoát với trời mây non nước bao la, với ngàn thông vi vu gió lộng. Ở đấy, thiền và thiên nhiên hòa nhập làm một. Chính cảnh quan này là sự độc đáo thu hút du khách. Ai đã một lần đến Trúc Lâm Thiền viện mà không thấy tâm hồn mình lâng lâng, nhẹ nhõm, như được trong sáng hơn, thanh sạch hơn.
Lũ Khách
Nguồn: tuthienduyenlanh.com
Nguồn: tuthienduyenlanh.com