Bàn thêm về Tổ khai sơn chùa Thiên Minh - huế
Nghĩ lễ Lao động các anh Trần Tuấn Mẫn, Châu Văn Thuận và tôi hẹn nhau hàn huyên chuyện mây nước ở quán cà phê Vườn Xuân. Chia tay, anh Mẫn cho tôi số báo Văn Hóa Phật Giáo 104 (1- 5- 2010 ) dặn về xem kỹ bài “Cung chiêm tháp mộ ngài khai sơn chùa Thiên Minh” của tác giả Trần Viết Điền , và góp ý về thắc mắc do tác giả nêu ra.
Qua bài nghiên cứu, người đọc thấy tác giả với thiện ý đã bỏ công sức, thời gian tìm hiểu về người sáng lập chùa Thiên Minh, bà Sa-di-ni Hướng Thiện được khắc bia dựng tháp ờ mộ là “Khai sơn Thiên Minh Tự”. Từ đó nêu ra thắc mắc về tiêu chí “khai sơn” và việc Tăng chúng truy tôn ngài Quảng Huệ làm Tổ khai sơn của chùa Thiên Minh. Chúng tôi nhận thấy phần đọc bia của tác giả có đôi chỗ nhầm lẫn cho nên phần dịch nghĩa cũng chưa xác đáng.
Chúng tôi xin mạn phép các bậc tôn đức, chư thiện tri thức trình bày ý kiến nhằm góp thêm tư liệu về ngôi chùa nổi tiếng hiện nay tại cố đô Huế và hy vọng giải đáp được thắc mắc rất chính đáng của tác giả Trần Viết Điền.
Khoảng đầu thế kỷ XX, bà Công Tôn Nữ Hướng Thiện, trưởng nữ của công tử Nguyễn Phước Hồng Vinh (Phòng Phú Bình công Miên Áo) kết duyên với Diệp Kỉnh Đường , một Hoa kiều giàu có, nguyên quán ở Tam Ấp – Quảng Đông, thường gọi bà là Lạc Xam.
Bà rất sùng mộ đạo Phật, mua một sở nhà bên trái đường Nam Giao, gần các Tổ đình Báo Quốc,Từ Đàm để thuận tiện tu tập tại gia.Sau đó bà phát tâm thọ Sa-di giới nên sửa sang nhà thành ngôi chùa Thiên Minh (cải gia vi tự), sinh hoạt bàn thờ tự có tính cách gia tộc.
Năm 1917, bà mệnh chung được gia đình an táng gần viên tẩm ngài Phú Bình công. Con , cháu bà dựng bia ghi theo thể thức của người Hoa . Âm “Trung Hoa Dân Quốc – Trấp nhị thế Tổ Tỉ Khảo (Hàng giữa) – Diệp – mẫu Tôn nữ thị (bên trái) – công(bên phải) …chi mộ” .
Lạc khoản : “ Quảng Đông bang, Tam ấp” ( bên trái ) .
“ Đinh Tỵ niên , trọng xuân , cát nhật – Tự nam Ngọc Hiền , tôn Cán Anh , phụng lập” ( bên phải) .
Dịch nghĩa : “ Trung Hoa Dân Quốc – họ Diệp đời thứ hai mươi hai – Phần mộ của mẹ , Bà Tôn Nữ thị – cha , Ông …(chưa khắc tên) {đây là kiểu mộ song táng , nhưng cụ ông chưa mất nên chưa ghi tên)
Lạc khoản : “Bang Quảng Đông – Tam Ấp”
“Con trai Ngọc Hiền, cháu nội Cán Anh thành kính lập bia mộ vào ngày tốt, tháng hai năm Đinh Tị -1917” 1
Đến năm 1923, gia đình xây tháp cho bà gắn bia trước mặt tháp ghi rõ hơn:
Âm : “ Hoàng triều Phủ Bình công phủ – Công tôn nữ đệ nhất nương , khai sơn Thiện Minh Tự , Sa-di ni giới hiệu Hướng Thiện pháp danh Trừng Giáp chi tháp (ỡ giữa)
Lạc khoản : “ – Khải Định bát niên , ngũ nguyệt cát nhật” (bên phải)
-“ Thiên Minh tự chủ Diệp Kính Đường phụng lập” (bên trái) .
Chúng tôi nghĩ do bia lâu ngày mờ nên tác giả Trần Viết Điền đọc nhầm chữ Diệp thành chữ Thiền –Diệp Kinh Đường là tên của phu quân bà Hướng Thiện, bia này do ông lập.
Nghĩa : “Tháp của bà thọ giới Sa-di ni, hiệu Hướng Thiện, pháp danh Trừng Giáp kiến tạo chùa Thiên Minh. Con gái đầu, Công Tôn Nữ thị thuộc phủ Bình công của Hoàng Triều ( Nguyễn )”.
Lạc khoản : “- Triều vua Khải Định – ngày tốt tháng 5, năm thứ 8 (1923) .
– “Chủ chùa Thiên Minh, Diệp Kỉnh Đường kính lập”.
Để giải thích thuật ngữ khai sơn, chúng tôi căn cứ Phật điển : “Khai sơn vốn chỉ cho việc khai sáng chùa viện. Thời xưa các chùa viện thưởng được xây cất ở những nơi rừng núi tĩnh mịch, cho nên khai quang rừng núi để kiến thiết chùa viện gọi là khai sơn. Vị trú trì đời thứ nhất của chùa viện cũng được tôn xưng là khai sơn.
Khai sơn lại có : Khuyến thỉnh khai sơn và Sáng kiến khai sơn .
Sáng kiến khai sơn là tự khai sáng chùa viện và làm trú trì. Còn khuyến thỉnh khai sơn là tự mình đứng ra sáng lập chùa viện rồi thỉnh vị Tăng có đức về làm trú trì .
Ngoài ra người sáng lập một tông phái cũng gọi là Khai sơn, Khai tổ, Khai sơn tổ sư, ( xem Phật Tổ Thống Kỷ . Quyển 14)
Như vậy , căn cứ vào tiêu chí trên thì bà Hướng Thiện tuy sáng lập ra chùa Thiên Minh nhưng chỉ là một Sa-di ni chưa thọ đại giới ( cụ túc giới ) Không thể giữ chức vụ trụ trì một ngôi chùa để “thuyết pháp, an chúng, và tu tạo” (Theo Thiền Lâm tượng khí , quyển 7 ). Bà chỉ là một chủ ngôi chùa riêng, có tính cách gia đình, không có sự truyền thừa đúng theo quy củ thiền gia, nên không thể tôn xưng là “ Sáng kiến khai sơn”. Trong lúc sanh tiền, bà chưa thỉnh vị Tăng nào giới đức đầy đủ về làm trú trì để hoằng dương Phật pháp, tiếp chúng độ Tăng, truyền thừa pháp phái lâu dài, nên cũng không thể xưng là “ Khuyến thỉnh khai sơn”.
Sau khi bà mất 13 năm, (1917-1930), Thiên Minh vẫn là cảnh chùa nhỏ riêng tư , không có Tăng chúng đúng pháp, chỉ sinh hoạt nội bộ gia tộc và số ít người quen biết lui tới, theo hình thức một “phổ”.
Năm 1930, những người thừa kế của bà mới chính thức cúng chùa cho môn phái Tây Thiên (bà có pháp danh Trừng Pháp), cung thỉnh Đại sư Quảng Huệ ( 1903-1950 ) về làm trú trì đầu tiên của chùa. Ngài là bậc danh tăng đương thời, hết lòng phục vụ Giáo hội trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo. Không những được các bậc tôn túc trong sơn môn quý trọng , ngài còn được giới trí thức văn nghệ sĩ thời đó cảm phục lui tới đàm đạo, học hỏi như Phan Văn Hùm, Vũ Ngọc Phan, Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh… khiến cho Thiên Minh nhanh chóng trở thành một địa chỉ văn hóa tại kinh đô Huế. Đúng như người xưa nhận định:
“Sơn bất tại cao , hữu Tiên tắc danh.
Thủy bất tại thâm , hữu Long tắc linh” 2
Năm 1949 , sau khi Sư tổ Giác Bổn viên tịch , Giáo hội và Trưởng lão Hòa thượng Giác Nguyên, trưởng pháp phái Tây Thiên, quyết định công cử Đại sư Quảng Huệ vào chức trú trì Tổ đình Từ Quang kiêm nhiếp Thiên Minh .
Ngày mồng 8 tháng 5, Canh Dần (1950), Ngài hết nhân duyên, xả báo thân viên tịch tại Thiên Minh, Đệ tử nối tháp là Đại sư Mãn Giác (Huyền Không), cũng là bậc danh tăng Việt Nam.
Một số chùa xưa ở Huế, ban đầu do các nhà quyền quý tạo lập riêng cho gia đình thuận tiện việc cúng bái cầu nguyện. Về sau hiểu rõ Phật pháp, họ thường dâng cúng cho các tổ đình, xin thỉnh chư Tăng về trú trì để y chỉ tu tập, đúng theo chánh pháp. Tiêu biểu như chùa Trúc Lâm, nguyên do bà Tỳ-kheo ni Diên Trường tạo lập, nhưng chúng sinh thời bà quyết định cúng cho Tổ Tây Thiên rồi cầu thỉnh Hòa thượng Giác Tiên nhận chức vị trú trì đầu tiên. Đương nhiên sau khi ngài viên tịch. Tăng chúng suy tôn làm “Tổ khai sơn Trúc Lâm tự”. Đây cũng là trường hợp của khá nhiều chùa ở Huế như: Chùa Phò Quang , chùa Diệu Hỷ , chùa Vạn Phước , chùa Long Quang, chùa Bửu Vân… Như vậy, việc Hòa thượng trú trì và Tăng chúng chùa Thiên Minh niệm tưởng công đức của ngài Quảng Huệ để truy tôn làm “Tổ khai sơn” của chùa Thiên Minh là việ làm chính đáng, hợp giới pháp, đúng theo truyền thống Phật giáo vậy .
Ghi chú :
1- Bia này ghi theo truyền thống người Hoa, hơi khác với thể thức người Việt.
Ờ đây bên phải, bên trái lấy theo vị trí người đọc, từ ngoài nhìn vào.
2 – Núi không phải vì cao, nổi tiếng vì có Tiên. Nước không phải do sâu, linh thiêng vì có Rồng.
Bài liên quan: Cung chiêm tháp mộ ngài khai sơn chùa Thiên Minh
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 105