Cung chiêm tháp mộ ngài khai sơn chùa Thiên Minh - Huế
Chúng tôi được biết vào ngày 30 tháng 5 năm 2006, tức 8/5 Kỷ Sửu, Tăng chúng chùa Thiên Minh đã tổ chức lễ Tưởng niệm húy nhật lần thứ 59 ngày Tổ sư khai sơn chùa Thiên Minh viên tịch. Theo ban tổ chức lễ thì Tổ sư khai sơn chùa Thiên Minh là cố Hòa thượng Thích Quảng Huệ, sinh năm 1903, tại làng Khuông Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thế danh của ngài là Nguyễn Quảng Huệ. Ngài xuất gia tại chùa Từ Quang, pháp danh Tâm Thông, thọ cụ túc giới năm 1924…Năm 1930, ngài được cử trụ trì chùa Thiên Minh và hiện nay Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huê nói chung và Tăng chúng chùa Thiên Minh cung tôn ngài là Tổ sư khai sơn chùa Thiên Minh.
Thế nhưng năm 2007, Ths. Võ Văn Tường trong sách Chùa Việt Nam xưa và nay, NXB Giáo Dục, 2007 từng viết về chùa Thiên Minh: “Chùa nguyên là một thảo am do Sa-di-ni Trừng Giáp tự Hướng Thiện xây dựng vào khoảng năm 1905. Năm 1930, Hòa thượng Quảng Huệ, trụ trì tổ đình Từ Quang, được cung thỉnh về làm trụ trì đầu tiên. Ngài đã cho xây dựng ngôi chùa trang nghiêm, là nơi thân thiết của giới học giả thiền môn…” Như thế chùa Thiên Minh do một sa-di-ni dựng từ năm 1905, nhưng tại sao vị này không được cung tôn à vị khai sơn của chùa? Khi cung tôn Tổ khai sơn của một ngôi cổ tự thì Giáo hội Phật giáo dựa vào tiêu chí gí? Do kiến thức về Phật giáo quá hạn hẹp nên chúng tôi cứ băn khoăn mãi về hai chữ “khai sơn”! Chúng tôi đi tìm tông tích và hành trạng của Sa-di-ni Trừng Giáp, người dựng thảo am năm 1905, kết quả biết được bà thuộc dòng Phú Bình vương Miên Áo và đến năm 2009, chúng tôi đã được cung chiêm tháp mộ của bà.
1. Thân thế sa-di-ni Trừng Giáp
Được biết ở chùa Thiên Minh có bài vị của ngài Nguyễn Phúc Hồng Vinh và ngài Phan Thị Đố, phụ mẫu của Sa-di-ni Trừng Giáp. Được biết ngài Hoàng Vinh là con trai thứ hai của Phú Bình vương Miên Áo. Chúng tôi cũng được biết nhà báo Vĩnh Quyền là hậu duệ của Phú Bình Vương, nên qua nhà báo Vĩnh Quyền tìm về phố Gia Hội để nghiên cứu phủ của ngài Miên Áo. Rất tiếc phủ đã bị xuống cấp nghiêm trọng. May mắn, được một bà trong phủ cũ chỉ dẫn nơi thờ Phú Bình vương và bà chánh thất Vũ Thị Trinh là “CHÂU KHUÊ BIỆT THỰ” ở số 2/305 đường Nguyễn Sinh Cung, Vỹ Dạ, Huế. Châu Khuê biệt thự là nhà riêng của ngài Ưng Đồng, Thượng thư Bộ Lễ, dưới triều Khải Định. Do phủ Phú Bình xuống cấp, nên con cháu thuộc phủ đồng ý rước bài vị ngài Phú Bình vương và bà chánh thất về phụng tự ở Châu Khuê biệt thự. Trực tiếp trông nom việc thờ phụng hiện nay là trách nhiệm của hàng hậu duệ, các ông Bảo Dũng và Bảo Tuấn.
Về tiểu sử của Sa-di-ni Trừng Giáp, bà húy danh Công Tôn Nữ Hướng Thiện, là con gái của ông Nguyễn Phước Hồng Vinh và bà Phan Thị Đố. Bà là chị cả của Thượng thư Nguyễn Phước Ưng Đồng dưới triều Khải Định. Ông nội của bà là Phú Bình quận vương Miên Áo, hòang tử thứ 6 của vua Minh Mạng.
Khi trưởng thành, bà kết duyên với một vị thương gia có quốc tịch Trung Hoa Dân Quốc, người Tam ấp, bang Quảng Đông ở Đài Loan. Về sau, bà phát tâm bồ đề, thí phát quy y, thọ giới Sa-di-ni, pháp danh Trừng Giác, pháp huy Hướng Thiện, còn vị hôn phu của bà đưa gia đình về lại Tam Ấp, bang Quảng Đông. Bà đã bỏ tiền của tậu một thửa đất ở thôn Trường Giang, phía nam chùa Từ Đàm, lập thảo am để thờ Phật, phụng thờ cha mẹ và tu tập.
Khi bà viên tịch, đạo hữa chùa Thiên Minh và gia đình đã an táng bà ở Dương Xuân, dựng tháp (nay gọi là bửu châu), gần tẩm của Phú Bình quận vương Miên Áo (ông nội của bà)
2. Khảo sát điền dã để nghiên cứu tháp mộ Sa-di-ni Trừng Giác
Nhờ ông Nguyễn Phước Bảo Tuấn, hậu duệ của Phú Bình quận vương hướng dẫn, chúng tôi được cung chiêm tháp mộ, ghi chép văn bia ở tháp và ở nhà bia của bà tại Dương Xuân, gần nhà máy rượu sa kê của Nhật.
Tháp mộ của bà có tường bao hình chữ nhật, xây bằng gạch, phía sau có bình phong, phía trước có cổng với hai trụ vuông, ngoài cổng lại có nữ tướng ôm hai cổng bốn trụ. Giữa có tháp ba tầng (nay gọi là bửu châu), hình nón cụt, tiết diện lục giác, trên có núm. Tầng dưới phía trước có lồng bia đá Thanh.
Văn khắc trên bia ở tháp:
Dòng chính giữa: “Hoàng Triều Phú Bình Công phủ Công Tôn đệ nhất nương khai sơn Thiên Minh Tự sa-di-ni giới húy Hướng Thiện pháp danh Trừng Giáp chi tháp”.
Dòng lạc khoản phải: “Khải Định bát niên ngũ nguyệt cát nhật”.
Dòng lạc khoản trái: “Thiên Minh Tự chủ Thiền Kính đường phụng lập”.
Phía trước bửu tháp có nhà bia, có đắp sành sứ những hoa văn đẹp. Văn khắc trên bia:
Dòng chính giữa: “Trung Hoa Dân Quốc trấp nhị thế tổ Tỉ (trái) Diệp Mẫu Công Tôn Nữ Thị” Khảo (phải…không có danh tính)
Dòng lạc khoản phải: “Quảng Đông bang Tam Ấp”.
Dòng lạc khoản trái: “Đinh Tị niên trọng xuân cát nhật tự nam Ngọc Hiền Tôn Cán Anh phụng lập”.
Bia do con trai của bà phụng lập, cho biết dựng bia vào năm Đinh Tị (1917). Vì chồng con là Hoa kiều, nên trên bia không ghi quốc hiệu Việt mà ghi Trung Hoa Dân Quốc và ghi nguyên quán Tam Ấp, bang Quảng Đông ở Đài Loan. Còn bia ở tháp có ghi Khải Định bát niên, tức năm 1923. Bia này do Thiền Kính đường của chùa Thiên Minh lập khi dựng tháp. Như thế có thể biết được khi bà viên tịch, năm Khải Định thứ 2(1917), do gia đình có uy vọng, đã lo việc an táng, đích thân con trai bà là Ngọc Hiền đã lo xây dựng mộ phần, dựng bia và có thể chồng bà còn tại thế. Vì thế trên bia còn chừa hàng có chữ KHẢO…Sinh thời ở chùa Thiên Minh đã có Thiền Kính đường do bà tổ chức. Sau khi bà viên tịch 7 năm, đến năm 1923 có thể Thiền Kính đường ở chùa Thiên Minh đã phát triển nên đã thương thảo với gia đình của bà.để chùa Thiên Minh xây dựng bửu tháp và lập bia vào năm Khải Định thứ 8. Bia này ghi rõ bà thuộc phủ Phú Bình công [năm 1923 thì ngài Miên Áo chưa được tước vương sau vụ Hồng Tập thời Tự Đức], bà là vị khai sơn chùa Thiên Minh. Nếu gia đình lập bia và ghi bà khai sơn chùa Thiên Minh thì có thể nghĩ rằng do chủ quan của gia đình. Đằng này một tổ chức thuộc chùa Thiên Minh Thièn Kính đường, đã đứng ra xây tháp và lập bia ghi rõ Sa-di-ni giới húy Hướng Thiện, pháp danh Trừng Giác, là vị khai sơn chùa Thiên Minh thì chúng tôi rất ngạc nhiên. Vì sao Tăng chúng chùa Thiên Minh thời vua Khải Định đã cung tôn bà là khai sơn chùa Thiên Minh, còn Tăng chúng chùa Thiên Minh hiện nay lại cung tôn cố Hòa thượng Thích Quảng Huệ, trụ trì chùa từ năm 1930, là Tổ sư khai sơn Thiên Minh Tự?
Cớ duyên được biết Tổ khai sơn Thiên Minh Tự là cố Hòa thượng Thích Quảng Huệ, đồng thời được biết Tăng chúng chùa Thiên Minh vào năm 1923, khi ngài Thích Quảng Huệ chưa về trụ trì chùa Thiên Minh, đã dựng tháp lập bia Sa-di ni Trừng Giáp, cung tôn ngài là khai sơn chùa Thiên Minh. Do kiến thức về Phật giáo nông cạn, nên chúng tôi thắc mắc về tiêu chí khai sơn Thiên Minh Tự. Kính mong chư tôn đức Hòa thượng trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế chỉ bày cho chúng tôi về tiêu chí của một vị khai sơn các ngôi chùa cổ ở Huế, như chùa Trúc Lâm, chù Thiên Minh…Do sở học còn thấp, có những sai sót về kiến thức Phật giáo, nên đặt vấn đề có thể chưa đúng, kính mong chư tôn đức Hòa thượng lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế nói chung và trụ trì chùa Thiên Minh nói riêng niệm tình tha thứ.
Bài & ảnh TRẦN VIẾT ĐIỀN