Ý nghĩa, hình tượng, hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm
Ngày đăng: 02:42:56 27-03-2016 . Xem: 19863
SVO - Trong những truyện cổ tích, người Việt Nam thường kính cẩn nhắc nhở đến danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát mà coi Ngài là một vị Bồ-tát luôn luôn sẳn sàng cứu khổ nạn cho họ. Ngay trong những vở tuồng cải lương, kịch nói, dĩa hát, phim ảnh, và hệ thống internet đều có hình ảnh và tiếng nói của Bồ-tát. Lòng tín ngưỡng Quán Thế Âm Bồ-tát của dân tộc Việt Nam quả thật rất sâu sắc. Để cho lòng tin ấy được vững bền và phát triển, xin quý vị hiểu qua một vài nét lịch sữ và những quan điểm của Bồ Tát Quan Thế Âm
Ý Nghĩa Và nguồn gốc của Bồ Tát Quán Thế Âm.Bồ Tát Quan Thế Âm là hiện thân của Từ Bi, Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cứu khổ cứu nạn tất cả chúng sinh trong 6 nẻo luân hồi. Cho nên, Phật Tử chúng ta dù tu theo pháp môn nào cũng phải thường xuyên niệm hồng danh của Ngài. Ngài gia hộ, độ trì cho mới thoát khỏi tai nạn, khổ ách mỗi khi đến với mọi người chúng ta đều phải niệm "Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát" thì được giải thoát, tai qua nạn khỏi và sự nghiệp tu hành mới mau chóng thành tựu theo sở cầu như nguyện.
Trước tiên, cùng tìm hiểu về Bồ Tát Quan Thế Âm qua từ điển Wikipedia nhé:
"Quan Thế Âm (Tiếng Phạn: अवलोकितेश्वर nghĩa là "Đấng quán chiếu âm thanh của thế gian") là một vị Bồ tát hiện thân lòng từ bi của tất cả chư Phật. Được miêu tả trong nhiều nền văn hóa khác nhau, cả thân nam lẫn nữ giới, Quan Thế Âm là một trong những vị Bồ tát được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo Đại thừa, cũng như không chính thức trong Phật giáo Nguyên thủy.
Tên nguyên bản tiếng Phạn của vị Bồ tát này là Avalokiteśvara. Tên tiếng Hán Quan Thế Âm Bồ Tát (觀世音菩薩) được phiên dịch từ tên tiếng Phạn này, "Avalokiteśvara Bodhisattva". Bồ tát này thường được mô tả dưới nhiều dạng thân nam hay nữ, và cũng có thể được biết đến với tên gọi đơn giản là Quan Âm."
Nguồn gốc và ý nghĩa của Bồ Tát Quan Thế Âm:
Theo Kinh Bi Hoa thì ở vào đời quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng Như Lai. thời đó có vua Chuyển Luân Thanh Vương là Vô Chánh Niệm. Vua có quan đại thần là Bảo Hải, phụ thân của đức Bảo Tạng khi chưa xuất gia đối trước Đức Phật Bảo Tạng phát ra 48 đại nguyện. Do đó, Đức Bảo Tạng thụ ký cho Vua (khi đó đã là Pháp Tạng Tỳ Kheo) sau này thành Phật hiệu là A Di Đà ở vào thế giới cực lạc.
Vua Chuyển Luân có nhiều con. Con cả là Thái Tử Bất Tuấn cũng do ngài Bảo Hải khuyến tiến. Thái Tử cũng đi xuất gia theo cha và đối trước Đức Bảo Tạng Như Lai phát ra bảo nguyện đại bi thương xót, cứu độ tất cả các loài chúng sanh bị khổ não. vì vậy Đức Bảo Tạng thụ ký cho Thái Tử thành Bồ Tát hiệu là Quan Thế Âm, còn Bảo Haỉ là tiền thân của Đức Thích Ca Mầu Ni. Đức Bảo Tạng thụ ký cho Thái Tử rằng: "Vì lòng đại bi Ông muốn quán niệm cho tất cả chúng sanh được cùng về cõi an lạc (cực lạc). Vậy từ nay đặt tên cho Ông là Quan Thê Âm….
Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian. Theo Phẩm Phổ môn trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sở dĩ ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn, mỗi khi chúng sanh bị khổn ách, nguy cấp liền nhất tâm niệm danh hiệu của bồ tát, ngài liền quán xét âm thanh đó, lập tức cứu họ thoát khỏi tai ách.
Trong Bát Nhã Tâm Kinh, vị Bồ tát này mang tên là Quán Tự Tại dựa trên pháp môn tu tập của ngài. Khi quán chiếu thâm sâu vào chính mình, ngài nhận thấy năm uẩn không có tự tính và đều là giả tạm, ngộ ra được điều đó, ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn.
Bồ tát Quán Thế Âm còn được biết đến với tên gọi Bồ tát Quán Âm, Bồ tát Từ Hàng hay Từ Hàng Đại sĩ.
Các hình tượng của Ngài
Quán Thế Âm Bồ Tát - là bồ tát trợ tuyên đắc lực của Phật A Di Đà ở phương tây, Quán Thế Âm Bồ Tát thể hiện lòng Bi, một trong hai dạng của Phật tính. Vì vậy, danh hiệu của ngài thường kèm theo từ Đại Bi, dạng kia của Phật tính là Trí tuệ, là đặc tính được Bồ Tát Đại Thế Chí thể hiện, bên tay phải của Phật A Di Đà. Trong các loại tranh tượng về Quán Thế Âm, người ta thấy có 33 dạng, khác nhau về số đầu, tay và các đặc tính. Thông thường ta thấy tượng Bồ Tát có ngàn tay ngàn mắt, có khi 11 đầu (11 đầu biểu tượng cho mười cấp của Thập địa và Phật quả) Trên đầu có khi có tượng A-di-đà, xem như đặc điểm chính. Trên tay có khi thấy Bồ Tát cầm hoa sen hồng, vì vậy nên Quán Thế Âm cũng có tên là Liên Hoa Thủ hay nhành dương liễu và một bình nước Cam Lồ:
- Hình tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay: Con số 1.000 biểu trưng cho sự viên mãn, nên tượng được tạo với đủ 1.000 mắt, 1.000 tay (gồm 40 tay lớn và 960 tay nhỏ, trong mỗi tay đều có mắt), có nơi chỉ tạo tượng với 40 tay lớn, hoặc 42 tay lớn (có 2 tay chắp, 2 tay đặt trong tư thế thiền định) mà không tạo tay nhỏ. Nghệ nhân ở các nước Phật giáo theo truyền thống Đại thừa thường tạo tượng theo mẫu thức 40 tay lớn, bởi con số 40 ứng với 25 hữu (25 quốc độ của chúng sinh trong tam giới - 25x40=1.000)
- Bồ Tát Quan Thế Âm tay trái cầm bình cam lồ, tay phải cầm cành dương liễu. Nước cam lồ biểu trưng cho lòng từ bi. Nước này rưới tới đâu là chan rải tình thương tới đó, làm mát mẻ êm dịu mọi khổ đau của chúng sanh. Cành dương liễu là biểu tượng của sự nhẫn nhịn. Bởi việc tu hành cũng khó khăn như đi trong cơn bão lớn. Những cành cây cứng mạnh lại dễ gãy đổ. Cành dương liễu tuy yếu mềm nhưng dẻo dai, gió chiều nào cũng thuận theo nên khó gãy. Quan Âm Bồ tát dùng cành dương rưới nước cam lồ, biểu trưng cho lòng nhẫn nhục nhu nhuyễn. Thiếu cành dương không rưới nước cam lồ được. Cũng vậy, có lòng từ bi mà thiếu đức nhẫn nhục thì lòng từ bi đó không lâu dài, không đem đến lợi ích viên mãn cho chúng sinh. Cho nên đức nhẫn nhục, lòng từ bi luôn đi đôi với nhau, thiếu một đức thì đức kia không thể thực hiện.
Chú Đại Bi
Trong kinh ngài Quan Thế Âm Bồ Tát bạch Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn, tôi có chú Đại Bi tâm đà ra ni, nay xin nói ra, vì muốn cho chúng sanh được an vui, được trừ tất cả bịnh, được sống lâu, được giàu có, được diệt tất cả nghiệp ác tội nặng, được xa lìa chướng nạn, được thành tựu tất cả thiện căn, được tiêu tan tất cả sự sợ hãi, được mau đầy đủ tất cả những chỗ mong cầu. Cúi xin Thế Tôn từ bi doãn hứa.", rồi sau đó đọc Chú Đại Bi.
"Bồ tát thuyết chú xong, cõi đất sáu phen biến động, trời mưa hoa báu rơi xuống rải rác, mười phương chư Phật thảy đều vui mừng, thiên ma ngoại đạo sợ dựng lông tóc. Tất cả chúng hội đều được quả chứng."
Thần chú 6 chữ "Om mani padme hum" (hay còn gọi là Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn)
Câu thần chú “Om Mani Padme Hūm” là một trong những câu thần chú nổi tiếng nhất trong Phật giáo, được các Phật tử theo pháp tu niệm Phật, và đặc biệt là Phật tử tu theo Mật tông như Phật giáo Tây Tạng tụng đọc trong mọi nghi thức tu tập.
Câu thần chú nầy được viết bằng tiếng Phạn (Devanāgarῑ) là: ॐमणिपद्मेहूँ hay: ओंमणिपद्मेहूं. Phiên âm quốc tế thành: “Om Mani Padme Hūm”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 có viết:
“Đọc tụng câu thần chú Om Mani Padme Hūm thì là rất tốt, nhưng trong khi bạn làm như thế, bạn nên nghĩ về ý nghĩa của nó, vì ý nghĩa của sáu âm là thâm sâu và rộng…Trước tiên, Om tượng trưng cho thân, khẩu, và ý không thanh tịnh của hành giả; nó cũng tượng trưng cho thân, khẩu và ý thanh tịnh đáng tán dương của một vị Phật”
“ Con đường tu được chỉ ra bởi bốn âm kế tiếp. Mani, có nghĩa là viên ngọc, tượng trưng cho những yếu tố của phương tiện, phương pháp: chủ yếu là tâm bồ đề, là đại từ, đại bi, lòng từ bi, vị tha để trở thành giác ngộ”
“Hai âm padme, có nghĩa hoa sen, tượng trưng cho trí tuệ, tuệ giác tánh Không”
“Hūm tượng trưng cho sự hợp nhất giữa phương tiện, phương pháp tu (là từ bi) và trí tuệ, tuệ giác tánh Không”
“Tu là quá trình thanh tịnh hóa. Quá trình thanh tịnh hóa phải được hoàn thành bởi sự hợp nhất không thể phân chia được của phương tiện, phương pháp tu và trí tuệ”.
“Như vậy sáu âm, Om Mani Padme Hūm, có nghĩa là trong quá trình thực hành một đường lối tu mà đó là một sự hợp nhất không thể phân chia được giữa phương tiện, phương pháp tu là lòng từ bi và trí tuệ, tuệ giác tánh Không, bạn có thể biến đổi dần dần thân, khẩu và ý không thanh tịnh của bạn thành thân, khẩu, và ý thanh tịnh đáng tán dương của một vị Phật“
12 lời nguyện của Quan Thế Âm Bồ Tát
· Nguyện thứ nhất: Phật Viên Thông Thánh Tự Tại, Quán Âm Như Lai rộng phát hoằng thệ nguyện.
· Nguyện thứ hai: Quyết một lòng không sợ khó, Quán Âm Như Lai thường vào Biển Đông nguyện.
· Nguyện thứ ba: Ở Ta bà, vào Địa phủ, Quán Âm Như Lai cứu với chúng sanh nguyện.
· Nguyện thứ tư: Diệt tà mà trừ yêu quái, Quán Âm Như Lai dứt trừ nguy hiểm nguyện.
· Nguyện thứ năm: Tay cầm tịnh bình, tay cầm nhành dương liễu, Quán Âm Như Lai ban nước cam lồ nguyện.
· Nguyện thứ sáu: Đại Từ bi, Đại Hỷ xả, Quán Âm Như Lai oán thân bình đẳng nguyện.
· Nguyện thứ bảy: Suốt ngày đêm luôn quán sát, Quán Âm Như Lai diệt trừ đường ác nguyện.
· Nguyện thứ tám: Phổ Đà Sơn thường lễ bái, Quán Âm Như Lai gông cùm đứt rã nguyện.
· Nguyện thứ chín: Tạo pháp thuyền vào biển khổ, Quán Âm Như Lai độ tận chúng sanh nguyện.
· Nguyện thứ mười: Tiền Tràng phan, hậu Bảo cái, Quán Âm Như Lai tiếp dẫn Tây phương nguyện.
· Nguyện thứ mười một: Vô Lượng Thọ cảnh giới, Quán Âm Như Lai Di Đà thọ ký nguyện.
· Nguyện thứ mười hai: Thân trang nghiêm, tâm sáng suốt, Quán Âm Như Lai tròn đủ mười hai nguyện.
Sưu tầm
Các Tin Khác