Có phải mục đích duy nhất của kinh doanh là tạo ra lợi nhuận???
Đức Dalai Lama 14 đã đưa ra quan điểm về lợi nhuận:"Lợi nhuận vẫn là một mục đích tốt chừng nào mà nó được kiếm ra một cách trung thực. Về bản chất, tuyên bố rằng vai trò của kinh doanh là tao ra lợi nhuận cũng giống như nói vai trò của một con người là ăn và thở vậy. Nếu một công ty thua lỗ thì nó sẽ chết cũng như một con người không được ăn vậy nhưng nó không có nghĩa rằng mục đích của cuộc đời là ăn uống. Sự ưu tiên của tôi cho kinh doanh là để xác định vai trò của nó như là "sáng tạo và thỏa mãn khách hàng" trong khi cư xử có trách nhiệm thay vì chỉ là "tối đa hóa giá trị cổ đông". Rõ ràng, cư xử có trách nhiệm bao hàm việc tạo ra lợi nhuận lành mạnh và mang lại mức tăng thỏa đáng trong giá trị cổ đông. Nhưng sự nguy hiểm của việc coi tạo ra lợi nhuận là mục tiêu duy nhất và quan trọng nhất là nó tạo ra các điều kiện dẫn tới việc vi phạm pháp luật và gây ra những đau khổ không cần thiết cho khá nhiều người".
Con người và tổ chức sẽ là gì nếu không có sự quan hệ, gắn kết với những người xung quanh, bạn bè, gia đình, môi trường, cộng đồng, xã hội? Rõ ràng, con người và tổ chức đều thuộc về xã hội, tồn tại và phát triển trong xã hội và phụ thuộc lẫn nhau. Một công ty sẽ không tồn tại khi không có khách hàng, không có nhân viên, đối tác. Và một công ty sẽ không phát triển vững mạnh được khi nhân viên, khách hàng, đối tác.. không hài lòng, không vui vẻ. Trong kinh doanh, chúng ta biết đến triết lý win-win, sự thành công chỉ có khi lợi ích song phương được thực hiện, đôi bên cùng có lợi; trong Đạo Phật, chúng ta biết đến Vô Ngã, không có gì là tồn tại độc lập, độc tôn mà luôn có sự phụ thuộc lẫn nhau. Đó chính là sự thật, là chân lý, là bản chất của thực tại. Nếu chúng ta đi ngược với quy luật tự nhiên, đi ngược chân lý bằng cách chỉ quan tâm đến lợi ích của chính mình, tạo ra nhiều lợi nhuận cho tổ chức mà không hề quan tâm đến lợi ích của người khác, của xã hội, chúng ta sẽ có kết quả như thế nào? Phần lớn chúng ta đều nhận thức rõ việc này nhưng không phải ai cũng có thể sống và kinh doanh theo win-win hay vô ngã được. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy rõ điều này: Nhiều công ty bị nhân viên đình công, đập phá vì sự bốc lột sức lao động, nhiều công ty bị phá sản do người tiêu dùng tẩy chay quay lưng khi phát hiện sản phẩm của họ có nhiều chất độc hại đến sức khỏe con người và quá trình sản xuất của họ gây ô nhiễm hủy hoại môi trường sống. Đó chính là những hậu quả hiển nhiên và cũng đúng với quy luật Nhân Quả. Kinh doanh là phải tạo ra được lợi nhuận nhưng hãy thực hiện quá trình này theo những cách đúng đắn nhất theo cách mang lại lợi ích cho nhau và trong sự nhận thức sâu sắc về mối quan hệ tương hỗ giữa con người và xã hội xung quanh ta. Đức Phật đã dạy cho chúng ta nhiều con đường đi đến sự thành công và hạnh phúc, trong đó có việc kinh doanh tạo ra lợi nhuận theo con đường “Chánh Nghiệp”, đó là cách thức kinh doanh tạo ra lợi nhuận một cách đúng đắn, chính trực trong việc hướng tới mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác và tránh gây đau khổ, hủy hoại đến người khác hay mọi thứ xung quanh trong môi trường sống mà chính doanh nghiệp đang tồn tại trong đó. Đó chính là cách thức kinh doanh đúng đắn mang lại kết quả, thành tựu tốt đẹp cho công ty.
Chuyên gia phát triển tổ chức Peter senge đã đưa ra khái niệm "tổ chức học tập" giải thích viêc xem doanh nghiệp là một cổ máy kiếm tiền là một sai lầm. Theo ông, một doanh nghiệp nên xem là một thực thể sống động có nhận thức, có lương tâm phù hợp hơn là xem như là một cổ máy.
Kinh doanh tạo ra lợi nhuận là một điều hiển nhiên, tuy nhiên đó chỉ là một điều kiện cần và là để tồn tại, nhưng để phát triển liên tục bền vững thì một tổ chức cần phải nhắm tới việc tạo ra hạnh phúc, có trách nhiệm tích cực với những tác động hay ảnh hưởng từ những hoạt động kinh doanh của mình đối với những con người, các bên liên quan, các mối quan hệ trong hệ thống kinh doanh, chuỗi cung ứng, chuỗi tạo ra giá trị ... hay chính là trong quá trình tạo ra lợi nhuận của mình. Hay nói cách khác, kinh doanh tạo ra lợi nhuận một cách lành mạnh, bền vững có được khi theo một cách đúng đắn nhất trong sự quan tâm mang lại niềm vui cho người khác, cho cộng đồng xung quanh và trong sự bảo vệ môi trường, gắn kết và phát triển cộng đồng. Theo Ngài Dalai Lama 14 thì "mục đích của kinh doanh là đóng góp vào sự thịnh vượng của toàn xã hội".
Như vậy, một công ty có lương tâm, có cư xử trách nhiệm với xã hội, có quan tâm đến quyền lợi và lợi ích, hạnh phúc của những con người khác trong tất cả các mối liên hệ với công ty trong quá trình kinh doanh chắc chắn sẽ tạo ra được lợi nhuận, lợi nhuận lành mạnh, bền vững và chính là điều kiện cốt lõi để giúp công ty đạt đến sự phát triển bền vững.
Khái niệm kinh doanh là vì lợi nhuận, nhắm tới tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông đã không còn phù hợp mà nên là nhắm tới thỏa mãn sự mong đợi của các bên liên quan đến tổ chức. Đây chính là khái niệm “Trách Nhiệm Xã Hội Doanh Nghiệp - CSR"1, "Doanh Nghiệp Công Dân"," Phát triển Bền Vững", đang được nổi lên và cả thế giới quan tâm và vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam. Các Công ty lớn có danh tiếng trên toàn cầu đều là những doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc CSR như là một quy luật của sự phát triển. Họ cũng đưa ra các yêu cầu này để lựa chọn các đối tác, khách hàng, các nhà sản xuất qua các bộ tiêu chuẩn về CSR rất cụ thể. Tại Việt
Là chủ một doanh nghiệp, bạn là người quyết định mọi hoạt động cũng như sư thành bại của chính doanh nghiệp. Bạn tiếp tục tập trung kiếm ra nhiều lợi nhuận theo cách cũ hay theo những cách thức mới đúng đắn hơn, có trách nhiệm hơn để hướng tới sự phát triển bền vững, sự lựa chọn và trách nhiệm là do chính bạn. Là một khách hàng, liệu bạn sẽ mua và sử dụng những sản phẩm của công ty cư xử thiếu trách nhiệm với con người với xã hội hay không? Là một người Cha, người Mẹ, bạn sẽ cảm nhận gì khi con cháu của mình gánh lấy những hậu quả tiêu cực từ môi trường sống bị ô nhiễm hay nhiễm độc với những sản phẩm từ quá trình sản xuất, kinh doanh thiếu trách nhiệm từ các công ty khác hay chính công ty của mình? Là một người sống theo lời Phật dạy, bạn đã vận dụng những hiểu biết về vô ngã, vô thường, nhân quả, chánh nghiệp vào công việc kinh doanh của mình như thế nào?
Mong rằng, bạn đã tự trả lời chính xác cho câu hỏi “có phải mục đích duy nhất của kinh doanh là tạo ra lợi nhuận” và đã có những quyết định hành động đúng đắn hơn cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp mình. Mọi thứ bắt đầu từ trong ý định của bạn, khi bạn thật sự mong muốn thực hiện sự thay đổi, bạn sẽ tự biết cách hành động đúng hay biết cách tìm đúng người trợ giúp, chỉ đường nếu bạn cần.
Nguyễn Tuấn Kiệt