Hoàng Duy tên đầy đủ là Lê Hoàng Duy, sinh năm 1982. Quy y với Thượng Tọa Thích Thiện Trang, Trụ trì chùa Quan Âm, Bình Dương, pháp danh Thiện Nghiêm. Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống âm nhạc, cha là nhạc sĩ Hoàng Chung - Chủ nhiệm CLB Tiếng Nhạc Quê Hương và là người thầy trực tiếp chỉ dạy, hướng dẫn anh sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc . Nhờ vậy mà mới mười tuổi anh đã chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ: bầu, kìm, tranh, guita, organ… Trong đó, đàn bầu là loại nhạc cụ được Hoàng Duy biểu diễn thành công nhất, từ những làn điệu dân ca, cải lương cho đến những ca khúc hiện đại. Anh đã đạt được nhiều giải thưởng trong và ngoài tỉnh,được nhiều người nghe yêu thích mến mộ.
Tốt nghiệp kỹ sư điện tử năm 2005, nhưng không theo nghề kỹ sư. Với niềm đam mê yêu thích âm nhạc tử nhỏ, anh đã vận dụng những kiến thức về điện tử đã học để phục vụ âm nhạc. Hiện Hoàng Duy đang mở một phòng thu nhỏ tại nhà, phòng thu này được anh đầu tư từ chất lượng phòng cho tới các trang thiết bị máy móc, hiện đại. Bên cạnh công việc hàng ngày của mình tại phòng thu âm anh còn là một Phật tử rất nhiệt tình tham gia vào các hoạt động văn hoá Phật giáo. Ngoài các hoạt động văn nghệ Phật giáo như tổ chức, biên tập, dàn dựng chương trình văn nghệ của Ban văn hóa chùa Quan Âm với cương vị là Trưởng ban văn hóa, thì anh còn dành cho mình một khoảng trời riêng để sáng tác và hoà âm phối khí các nhạc phẩm Phật giáo mang âm hưởng những làn điệu dân ca trữ tình quê hương. Vì anh thấy rằng đây là những giai điệu bà con Phật tử dễ thuộc,dễ hát và rất gần gũi với lời kinh tiếng kệ.
Với tâm huyết đem lời ca, tiếng hát và khả năng tổ chức cũng như đào tạo.Hoàng Duy mong muốn làm ra những sản phẩm hay, chất lượng và có ích. Anh nói với chúng tôi rằng: “Anh không phải là một ca sĩ, anh chỉ hát với cương vị là người Phật tử thôi. Được hát trong chùa, dưới chân của Đức Phật là anh cảm thấy vui, mãn nguyện và hạnh phúc lắm rồi. Tuy có nhiều chương trình lớn mời tham dự, nhưng anh đều từ chối, vì anh chỉ thích hát dưới mái chùa, dưới chân của Đức Bổn Sư”.
Nhân duyên đưa anh trở thành ca sĩ Phật giáo như hiện nay, là do anh tình cờ thu âm 1 đĩa CD - Đạo Làm Con vào dịp lễ Vu lan, để tỏ lòng tôn kính công ơn cha mẹ. Vốn dĩ CD này chỉ lưu hành trong nội bộ đạo tràng, nhưng khi các Cô Bác Phật Tử sau khi nghe xong thấy hay quá nên đã sang đĩa, truyền từ người ngày qua người kia cứ thế lan rộng ở các chùa khắp nơi và khuyến khích anh tiếp tục thực hiện nhiều Album nhạc Phật Giáo nữa và nên quay DVD. Từ nhân duyên đó cho tới nay, anh đã ra thêm được 2 album DVD nữa để phục vụ bà con Phật tử (Vol 2 - Về Lại Quan Âm; Vol 3 - Quan Âm Mẹ Hiền). Anh tâm sự là: “Anh chỉ làm đĩa để cúng dường chư Phật và tặng những Phật tử có duyên thôi, chứ không kinh doanh” vì anh muốn cống hiến tài năng của mình cho "vườn hoa nghệ thuật" phật giáo thêm sắc hương.
Anh kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện về những Phật tử sau khi nghe những bài hát của anh mà có được những thay đổi tích cực trong cuộc sống, họ đã gọi điện đến cảm ơn với niềm hoan hỷ vô cùng-Với anh đó là niềm hạnh phúc để anh tiếp tục cống hiến và cố gắng hơn nữa.
Hoàng Duy còn có một biệt danh vô cùng dễ thương đó là chàng “Ca sĩ chùa Bún riêu”. Thực ra biệt danh này là do các Phật tử khi tới chùa Bún Riêu (Chùa Phước Hải-Còn gọi là "Chùa Bún Riêu") lễ Phật và được nhà chùa đãi món Bún Riêu chay. Trong lúc ăn mọi người được nghe đĩa hát của Hoàng Duy, bởi thế cho nên anh mới có biệt danh như vậy. Ngoài việc chăm lo, phụng sự nghệ thuật Phật giáo, anh còn nối tiếp truyền thống của cha mình là đào tạo thế hệ trẻ kế cận, phát huy truyền thống văn hóa Dân tộc nói chung và Phật giáo nói riêng. Đặc biệt phải kể đến thần đồng, ca sĩ nhí Ngọc Ngân người có biệt danh “Tuổi thơ với mái chùa”.
Hoàng Duy và phòng thu âm của anh
Năm cũ đã qua, năm mới sắp về, nguyện cầu hồng ân Tam Bảo thùy từ chứng giám, gia hộ cho anh và và gia đình được đầy đủ sức khỏe, hạnh phúc vẹn tròn. Chúc anh mãi là người nhạc sĩ, ca sĩ Phật tử luôn đem lời ca, tiếng hát và tài năng để phục vụ chúng sinh, bởi phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật.