Các động tác lạy Phật & một vài lưu ý (Tiếp theo bài viết "Lạy Phật và những trải nghiệm của tự thân")
Ta lễ lạy tại gia được an lạc là đã thực hành pháp tu “độc giác” vừa “tự lực” vừa cầu “tha lực” thành tựu...
Tiếp theo bài viết "Lạy Phật và những trải nghiệm của tự thân"trên Giác Ngộ online ngày 14-6, hôm nay, chúng tôi giới thiệu các động tác lạy Phật và một số lưu ý của tác giả Thích Viên Thành...
1 - Đứng thẳng người, chắp tay trước ngực (nhiếp tâm) xướng hồng danh hay câu, từ, ta muốn lạy, tâm nghĩ đến Phật, Bồ-tát (thân, khẩu, ý đoan nghiêm, đầu, cổ, xương sống thẳng đứng, thở vào cho đến tận đơn điền, bụng dưới phình ra, đưa dưỡng khí chạy khắp toàn thân).
2 - Đầu cúi xuống, cằm đụng ngực, thân từ từ cúi rạp xuống, xương sống cong lại phía sau, vai thư giãn, hai tay buông thỏng, gân sau hai chân giãn ra (nhìn lại mình, khiêm tốn, buông xả, thở ra đưa uế khí ra ngoài đến tận cùng) khiến 7 đốt sống cổ giãn ra, giúp lượng máu dồn về não đủ, dịch tủy xương sống và não thông, giúp hệ thần kinh ở xương cổ không bị ép. Phát huy được công năng, những động tác này giúp giải trừ được những chướng ngại ở bắp thịt vai và giúp ức, bụng, rốn co lại, đầu gối, xương sống giật lui về phía sau, các cơ hoành co cụm lai, gân cốt toàn thân hoạt động, giãn ra.
3 - Chống tay xuống nền, cong đầu gối (gập thân lại và quỳ xuống, cung kính), mông đụng vào hai gót chân hình chữ V, đầu ngửa ra phía sau, thở vào tận cùng, vừa thở vừa niệm thầm Quan Thế Âm Bồ-tát. Như vậy mỗi lạy ta tiến hành tưởng niệm đảnh lễ được 2 hồng danh.
4 - Đầu cúi xuống, gân cổ giãn ra, thân mình nằm rạp, cằm đụng hai đầu gối, năm vóc gieo sát đất, ép bụng, thở ra tận cùng, hai tay duỗi về phía trước, huyệt ấn đường (giữa hai chân mày), trán chạm vào hai bàn tay từ từ lật ngửa cung đón Phật, những tư thế này giúp máu chạy lên đầu, tăng trí nhớ.
5 - Nín thở hai bàn tay từ từ nắm lại tưởng tượng chư Phật, Bồ-tát đang truyền cho năng lượng, ta hãy thiết tha thu nhận và tận hưởng.
6 - Hai bàn tay úp lại, đầu ngẫng về phía sau, thở sâu vào đến đơn điền, trở lại tư thế ngồi trên hai gót chân, chống tay từ từ đứng lên, óp bụng (thở ra tận cùng giống như con mèo đang rướn mình) hai gân sau của chân căng ra, nhón chân cho các ngón chân cùng vận động. Trở lại tư thế đứng thẳng, thở vào tận cùng.
Lưu ý: khi tiến hành các động tác lễ Phật, ta phải thành kính, nhiếp niệm, thong thả, mắt nhìn vào tượng Phật, Bồ-tát hay từng chữ của kinh, hoặc để tâm vắng lặng, giúp cho tâm được an tịnh, lúc vào và ra lễ, ta phát nguyện, nhớ và thay thế cho Tứ ân lễ lạy đến 10 phương 3 đời Tam bảo, sẽ giúp cho ta phần nào trả lần hồi được ân nghĩa sâu nặng của xã hội.
Về thân, khi lạy xuống lên, các gân cổ, ngón tay, ngón chân, cánh tay, chân, xương sống, gân hai chân đều căng thẳng (xem như đang ‘chống lão hóa’ vì khi về già thì gân cốt rút lại, ta hằng ngày lạy, giúp cho gân cốt giãn ra) sẽ giúp cho gân cốt hoạt động, các huyệt đạo được kích động và thông từ đầu chạy dọc theo xương sống, xuống tận hai hai bàn chân và ngón chân cũng như tay.
Thở vào và thở ra tận cùng, giúp ta đưa được dưỡng khí đến toàn thân và loại tận cùng các uế khí ra khỏi cơ thể. Các huyệt đạo được khai mở, máu huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái, bệnh tật sẽ được tiêu trừ, nghiệp chướng từ đây cũng được chuyển hóa, nên khi lạy nếu có đổ mồ hôi nhiều thì rất tốt vì thải ra được nhiều độc tố, đừng lo ngại, hãy phấn khởi lên vì lao động có đổ mồ hôi thì mới có ngày bội thu.
Ta lễ lạy vào mỗi sáng, mỗi ngày và tận hưởng những năng lượng của chư Phật, Bồ-tát truyền cho, tất cảm nhận được niềm an lạc, đến lúc đó ta sẽ… ghiền, không lễ lạy ta thấy thiếu cái gì, khó chịu trong người và không được khỏe, như vậy là đã thành tựu được phần nào rồi!
Ta lễ lạy tại gia được an lạc là đã thực hành pháp tu “độc giác” vừa “tự lực” vừa cầu “tha lực” thành tựu, giúp ta “tự tin” và tinh tấn hành trì, nếu sống một mình cũng được an ổn, khi sống chung cùng chúng cũng dễ hòa hợp và phát triển đạo tràng vì lúc đó ai cũng chỉ lo nhiếp tâm lạy Phật, không bị cảnh bên ngoài chi phối, Phật tánh tự hiển lộ.
(An Lạc thất, Adelaide, Nam Úc)