Đứng dậy và bước đi
SVO -“Đứng dậy và bước đi”, tự truyện của chị Nguyễn Hướng Dương, kể về số phận tạo ra hai quảng đời của chính tác giả: Quảng đời tuyệt vọng của người mất hẳn hai chân, do tai nạn giao thông và quảng đời cứu tinh cho người mù bằng việc thành lập thư viện sách nói đầu tiên cho người khiếm thị tại Việt Nam.
Tác phẩm gồm 2 phần, phần tự truyện gồm 5 chương, chiếm 60% quyển sách và phần phụ lục gồm chùm thơ của chính tác giả, những bài viết về sách nói cho người mù và các bài viết đạt giải cuộc thi “Sách nói - Bạn đường của tôi”. “Đứng dậy và bước đi” không chỉ đơn thuần là một tự truyện kể lại cuộc đời của tác giả, mà thực chất là một thông điệp nói về nghệ thuật vượt qua khổ đau và các biến cố trong đời.
Câu chuyện của Hướng Dương bắt đầu từ “té ngã”, nối tiếp bằng sự “đứng dậy và bước đi” để tự mình “mở ra một thế giới”. Nhờ ánh sáng nghị lực chiếu soi, tác giả đã vượt qua các giằn vặt, mặc cảm, sầu khổ, cô đơn, buồn chán, tuyệt vọng và cảm giác tự tử. Nhờ nương tựa vào minh triết Phật dạy, Hướng Dương đã tự đứng dậy từ đôi chân què quặt và bất hạnh của bản thân, một sự đứng dậy mà không phải ai trong cùng hoàn cảnh tương tự có thể làm được.
Giá trị của quyển tự truyện này nằm ở chỗ, người đọc như được truyền sức mạnh, lên dây cốt tinh thần, điềm tĩnh và bản lĩnh hơn, thay vì than trời trách đất, đổ lỗi cho hoàn cảnh, nguyền rủa cuộc đời, buồn tủi bản thân, để trong tình huống “cùng quẫn” do hoàn cảnh đưa đẩy hay hậu quả của nghiệp duyên, mỗi người hãy tự mình “thắp đuốc lên mà đi”. Câu chuyện của Hướng Dương là bài học quý giá và là tấm gương “vượt lên số phận”, làm lại cuộc đời từ chính nghị lực và nỗ lực đúng phương pháp.
“Té ngã” là một thuật từ mà trong từng bối cảnh và ngữ cảnh cụ thể, ta có thể hiểu như một tai nạn bất đắc dĩ, rủi ro ngoài ý muốn, sự cố không đoán trước, bế tắc trong nhận thức, bí lối trong hành động, hay sự tuột dốc nhân cách, nhơ nhuốc trong tội phạm, lún sâu trong khổ đau… Các bất hạnh đó như những vị khách không mời mà đến, đi ngang qua cuộc đời ta như sóng thần, bão tố, lũ lụt, sấm sét… Các bất hạnh đã để lại nỗi ám ảnh và vết hằn tâm lý khó mờ phai. Thay vì chìm trong ký ức bất hạnh trong quá khứ, nhờ ánh sáng nhiệm màu của Phật pháp, Hướng Dương từ bỏ ý định tự tử, mở ra niềm hy vọng cho cuộc sống.
Do đó, trong bất kỳ không gian, hoàn cảnh và thời điểm nào, khi bị té ngã, lỡ bước sa chân, thay vì chấp nhận số phận vốn không có thật, hãy đứng lên bằng nghị lực để dành quyền sống từ những bất công và khổ đau. Tiếp tục sống với tư cách con người là một nhân quyền mà không ai được quyền cướp đi.
“Đứng dậy và bước đi” không chỉ là hai động từ cần thiết cho một người vừa bị “té ngã” mà còn là sự lựa chọn không gì tốt hơn, một khi sự té ngã đã diễn ra, do rủi ro hay một hệ quả tất yếu. Khi nhận diện được mình không còn chân để đứng dậy, Hướng Dương đã đứng dậy bằng nghị lực và nhận thức sáng suốt. Đứng bằng nghị lực đã giúp Hướng Dương vượt qua mặc cảm thân phận, tuyệt vọng và trầm cảm. Các bước đi của chị từ lúc mất hẳn hai chân ở tuổi 25 đến năm nay, 18 năm dài đó đã tạo nên biết bao sự diệu kỳ. Nói theo Phật giáo, đó là những bước đi “nở hoa sen”.
Để có bản lĩnh bước đi bền vững, người bị “té ngã” và khổ đau cần tâm niệm rằng “ta chỉ còn một sự lựa chọn duy nhất, đó là nỗ lực thay đổi bản thân.” Nếu tiếp tục nằm, ta không thể ngồi dậy được. Nếu tiếp tục ngồi, ta không đứng dậy được. Nếu tiếp tục đứng, ta không thể đi được. Đi không đúng cách là cái đi khập khiễng và dễ tiếp tục té ngã. Đi bằng các bước chân nghị lực, với quyết tâm biến khiếm khuyết thành sở trường, người té ngã nào cũng có thể về đến đích.
“Một thế giới mở ra” lúc đầu là một tia hy vọng, nỗi niềm khao khát, về sau là một hiện thực đối với ai khi “té ngã”, biết “đứng dậy”, mạnh dạn “bước đi” làm lại cuộc đời. Trong cuộc sống, khi một cơ duyên khép lại, dù do nguyên nhân hay tác động nào, thì cùng lúc ấy, một nhân duyên khác sẽ mở ra. Điều này rất đúng với cuộc đời của Hướng Dương.
Khi đi được bằng đôi chân giả, lúc vừa chữa trị xong cái miệng méo do chấn thương thần kinh ngoại biên số 7, Hướng Dương đã nghĩ đến giọng đọc trầm ấm của mình cho những ai cần đến nó. Thế là, “Thư viện sách nói dành cho người mù” đã được thành lập vào ngày 19-05-1998. Để Thư viện sách nói phục vụ cho hàng ngàn người mù trên toàn quốc, Hướng Dương đã thành lập “Quỹ từ thiện sách nói cho người mù”. Từ những sách nói đầu tay, thu âm vào bằng cassette, nay sách nói cho người mù đã trở thành một thư viện kỹ thuật số. Nhờ có sách nói, người mù có thể tiếp cận nhiều nguồn tri thức, thông tin, theo đuổi các cấp học… mà không bị lệ thuộc vào hệ thống chữ nổi, vốn ấn bản có số lượng hạn chế và tốn kém. Sau 16 năm hoạt động, Thư viện sách nói có trên 270.000 băng cassette và đĩa CD cho hơn 90 Hội người mù và Trường mù trên toàn quốc. Mấy năm trở lại đây, trang web www.sachnoionline.com có cơ hội phục vụ trực tuyến với gần 1000 sách nói cho hơn 20 triệu lượt người.
Mất một chi phần của cơ thể không có nghĩa là mất tất cả cuộc sống. Té ngã vài ba lần trong đời không phải là dấu chấm cuối của cuộc đời. Thế giới hạnh phúc luôn mở ra đối với ai biết tin vào tiềm năng, nghị lực, nỗ lực của bản thân và kiên nhẫn có phương pháp. Với kiên trì và trí tuệ, không có gì là không thể làm được trên đời.
“Ánh sáng nhiệm màu” bắt đầu là một tia lóe hy vọng, kế đến là ánh đèn dầu lập lòe nhưng vẫn tiếp tục tồn tại trước gió, rồi về sau trở thành ánh thái dương chiếu soi không lặn tắt. Tự mình trải qua kinh nghiệm cận kề cái chết, Hướng Dương đã thấy mọi thứ trên đời đều là vô nghĩa, khi sự sống khép lại. Kinh nghiệm cận tử giúp chị biết trân trọng cuộc sống quý báu này.
Giác ngộ từ câu nói “con chỉ có hai chân giả thôi sao ? Con nhìn xem toàn thân Sư đều là giả!” của Ni trưởng Trí Hải, Hướng Dương đã bừng tỉnh: “Chỉ tại tôi mắc kẹt vào cái tướng của mình nên mới ôm sầu thiên thu!” Cú điểm huyệt của Ni trưởng Trí Hải đã khai thông tâm trí của Hướng Dương. Khi sự tuyệt vọng kết thúc, “đôi chân giả nặng hơn 3kg bỗng trở nên nhẹ tênh” đối với Hướng Dương. Thế giới hy vọng mở ra với Hướng Dương là nhờ vào sự “khai tâm, điểm trí” này. Do đó, lúc té ngã mà muốn đứng dậy, đang khi ta không đủ sức để tự đứng dậy, việc nương vào một bàn tay hỗ trợ của người khác không có gì phải mặc cảm, tự ái, xấu hỗ hay cốc cần.
Thiền quán trong đạo Phật là nghệ thuật soi sáng nhận thức, mở rộng tầm nhìn, hỗ trợ lối đi, có khả năng trị liệu khổ đau, giúp cho ta khơi nguồn hạnh phúc bây giờ và tại đây. Thực tập thiền chánh niệm, ta khắc phục các rủi ro trong lao động, nhờ đó vẫy chào các tai nạn ngoài ý muốn. Thiền chánh niệm còn có khả năng giúp ta điềm tĩnh, sâu lắng, kham nhẫn tích cực, nhờ đó thấy rõ con đường và cách thức tháo mở bế tắc. Sống thiền định bằng chánh niệm trong hơi thở sẽ giúp ta tăng cường sức khỏe, sống thọ trong hạnh phúc và bình an. Vì cốt lõi của thiền là buông xả mọi khổ đau, giúp tâm trở nên chơn không hóa trước nghịch cảnh và bất hạnh, người sống thiền đã tạo cho mình cú hích thay đổi vệnh mệnh. Thiền là mầu nhiệm của hạnh phúc. Thiền chữa lành các khổ đau.
Khi nhận thức được thế giới đổi thay, vô thường là quy luật thì các biến cố xảy ra đối với ta và người thân nên được nhận thức rằng: “Khổ đau này không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi, không phải là sở hữu của tôi; tôi không kẹt trong khổ đau này”. “Vô ngã hóa” nổi khổ niềm đau là cách “ly tâm hóa” sự đau khỏi thân và sự khổ khỏi tâm. Đây là nghệ thuật giúp ta không than vãn “mệt quá đôi chân này” hay cường điệu hóa hơn “mệt quá thân ta này” (Trịnh Công Sơn), khi cuồng phong, bão tố đang biến ta thành “hạt bụi” “rong chơi” trong cuộc đời chằng chịt nghiệp duyên.
Tấm gương “đứng dậy và bước đi” của Hướng Dương giúp chúng ta thấy được sự chuyển nghiệp và thay đổi vận mệnh là một tiến trình đòi hỏi nhiều nghị lực và nỗ lực, có thể xảy ra với bất kỳ ai biết quý trọng hạnh phúc của bản thân. Cuộc đời đầy nghị lực và đóng góp của Hướng Dương đã trở thành bài học “lên dây cốt tinh thần, thổi bùng sức sống, kích thích sự lạc quan và nỗ lực có giá trị, không thua kém gì chàng trai không tay không chân Nick Vujicis … của Úc, nữ phi công cụt tay Jessica Cox của Hoa Kỳ… cũng như nhiều tấm gương thành công trong việc xây dựng cuộc đời hạnh phúc của từ dữ liệu bất hạnh và khổ đau.
Sài Gòn, ngày 15-10-2014
Thích Nhật Từ
Tổng biên tập Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay và Tủ sách Phật học
Theo: daophatngaynay