Người tại gia mong gì nơi Tăng bảo?
Ngày đăng: 09:58:32 20-08-2020 . Xem: 2512
Từ xưa đến nay, người cư sĩ, Phật tử đích thực nào lại chẳng trọng Phật, kính Tăng. Vì trọng Phật nên luôn lấy sự tu học làm đầu, và kính Tăng với tất cả niềm ngưỡng vọng vào sự hòa hợp, trang nghiêm của Tăng đoàn.
Kính Phật trọng Tăng - Ảnh minh họa
Trách nhiệm dẫn đường
Năm 1953, trong một bài viết dành cho các vị mới xuất gia với nhan đề “Tăng bảo”, Trưởng lão Tỷ-kheo Thích Trí Quang đã có những dòng khái lược ngắn gọn nhưng đầy súc tích về địa vị Tăng-già trong xã hội: “Chánh pháp là phương pháp làm cho con người xứng đáng là danh nghĩa con người. Như vậy Chánh pháp đối với con người quả là tuyệt đối phải có, in như con người tuyệt đối phải có trong xã hội loài người. Mà Chánh pháp ấy do ai truyền bá nếu không phải Tăng-già? Cho nên trong xã hội, địa vị Tăng-già là địa vị phải có, in như con người không thể thiếu mặt trong xã hội loài người được. Trong xã hội loài người, Tăng-già không những phải có mà địa vị Tăng-già còn phải là địa vị hướng dẫn. Tăng-già hoằng pháp lợi sanh, tự giác giác tha, nên Tăng-già là những vị hướng dẫn mọi người và làm gương mẫu cho mọi người trong các phương diện tâm đức tiến hóa (bi), trí thức tiến hóa (trí) và năng lực tiến hóa (dũng). Địa vị Tăng-già trong xã hội loài người thật là địa vị Chúng trung tôn” (Tâm ảnh lục).
Thật vậy, cũng chính bởi ý nghĩa lớn lao và trọng đại của Tăng-già, việc hàng cư sĩ Phật tử đặt kỳ vọng và niềm tin lớn lao nơi giới đức và oai nghi của các vị Tăng Ni, mong muốn các vị thật sự là mẫu mực để cho chúng cận sự nương tựa và noi theo, làm khuôn thước để dẫn đường cho họ trên lộ trình học Phật, tu Phật để hướng tới an lạc cũng là điều dễ hiểu. Đó là chưa kể, đối với người đời, đôi khi, việc nhìn thấy Tăng chúng trang nghiêm, hòa hợp; một vị xuất gia đủ đầy tế hạnh và mẫu mực, có thể tạo nên niềm cảm mến sâu xa. Và đó cũng chính là phương tiện hiệu quả dẫn họ bước lên đường đạo.
Giữa những biến chuyển liên tục của đời sống và thời cuộc, có những quan niệm phổ biến trong đời sống cách đây không lâu thì hiện tại, đã trở nên lỗi thời. Những thay đổi đó, không chỉ có ảnh hưởng trong đời mà còn tác động phần nào đến đạo.
Ngày nay, việc Tăng Ni, thậm chí cả các vị Hòa thượng, Thượng tọa lớn tuổi sử dụng Facebook, Zalo, Twitter, Instagram,… đã trở thành một điều bình thường và phần nào còn khá… thú vị, được nhiều người “kết bạn” theo dõi. Trên phương diện tích cực, việc Tăng Ni tham gia mạng xã hội tạo điều kiện tương tác giữa đạo và đời, giúp các vị nắm bắt tâm tư của quần chúng để có những phương thức thích hợp hơn trong hoằng pháp. Đặc biệt đối với giới trẻ hay người chưa hiểu nhiều về đạo Phật, mạng xã hội là phương tiện phần nào phù hợp trong việc đưa giáo pháp đến gần hơn và dễ dàng với họ. Khi hàng tỷ người trên Trái đất đều “sáng đèn” trên internet, “nhốt” đạo Phật trong những bức tường thâm trầm, những mái ngói rêu phong, tách mình ra khỏi đời sống thế tục có phải là việc nên làm?
Về mặt hành vi ứng xử, những gia giáo, phép tắc đã định hình nên lối ứng xử của con người trong đạo khá bình thường, quen thuộc với mười lăm, hai mươi năm về trước, khi đặt vào trong bối cảnh hiện tại, lại trở nên phần nào khiên cưỡng. Bây giờ, người đến chùa, đặc biệt là người trẻ thuộc thế hệ Y, Z đã không còn mang tâm thế như xưa. Nếu như đối với lớp ông bà, cha mẹ sinh ra ở những thập niên trước, người tu trong mắt họ luôn được “đặt” trên một tầng bậc vượt trên xã hội, thì với người trẻ ngày nay, khoảng cách đó đã không còn quá lớn nữa.
Việc một vị Tăng, Ni quá đạo mạo, trang trọng, nói năng phải dùng toàn những kính ngữ đôi lúc lại trở thành rào cản vô hình trong giao tiếp với bên ngoài. Cởi bỏ phần nào những ràng buộc về lễ tắc, đôi lúc, lại tạo nên những cơ hội tiếp cận mới dành cho người trẻ với giáo pháp, giúp họ tiếp xúc với cái hay, cái đẹp trong đời sống thiền môn, từ đó phá vỡ dần quan niệm vẫn còn tồn tại cho đến nay, đó là “chùa chiền chỉ là nơi dành cho các ông bà già hoặc người chán đời, yếm thế”.
Ruộng phước của thế gian
Có những lo lắng đến từ nhiều phía rằng một khi thay đổi phần nào những phép tắc cư xử vốn có như đã nêu sẽ làm xáo trộn đời sống thiền môn, khiến cho đạo Phật dần bị thế tục hóa, Tăng Ni sẽ không còn là những khuôn mẫu, mực thước cho thế gian nhìn vào. Sự lo lắng đó không phải là không có nguyên do. Chúng ta đã và đang chứng kiến một vài vị xuất gia đi vào cuộc đời, sống với cuộc đời rồi dần trở nên… đời hơn. Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, rằng bởi như thế này, tại như thế khác. Một vị xuất gia, nếu thật sự là người có đạo lực từ bên trong, được tạo nên bởi sự tu học, kỷ cương và tự chủ của bản thân, chắc chắn, dù có thay đổi ít nhiều trong ứng xử để hợp với thời đại hơn như đã nêu, ta vẫn có thể thấy được oai nghi và năng lượng bình an nằm ngay trong mỗi cử chỉ, biểu hiện nơi họ.
Khi có những hành động không phù hợp với vai trò của mình, việc một vị xuất gia phải hứng chịu sự phê phán, bình luận của đám đông là điều không thể nào tránh khỏi. Không ai có thể bịt miệng được đám đông, nhất là trong thời công nghệ số với tốc độ lan truyền của tin tức chỉ còn được tính bằng giây.
Ở vị trí của mình, người cư sĩ, Phật tử luôn kỳ vọng rằng những người xuất gia luôn là những tấm gương thật sáng đẹp và xứng đáng: Xứng đáng với trách nhiệm “xiển dương và nối tiếp dòng giống của bậc Thánh” mà các vị đã nguyện mang vác khi bước vào nhà Phật, với vai trò của bậc thầy dẫn đường; xứng đáng là “ruộng phước quý hóa nhất trên đời”. Có lẽ cũng vì vậy, khi thấy những sự việc đau lòng xảy đến, những cư xử thiếu thận trọng của một số vị thầy trên không gian mạng và trong cả đời thực, trước sự công kích từ bên ngoài thời gian gần đây, một số người cũng đã nặng lời trong lúc thiếu kiềm chế cảm xúc.
Bản thân người viết cũng là “nhân chứng” cho một “tai nạn” liên quan đến cư xử không thích hợp của một vị xuất gia. Chỉ từ một số hành vi tưởng chừng nhỏ nhặt của vị thầy trụ trì ở một ngôi chùa tại địa phương xảy ra trong tang sự của gia đình, cha tôi - từ một người vốn không thiếu thiện cảm với đạo Phật đã trở nên ác cảm với chư Tăng và ngăn cấm chúng tôi thân cận với chùa chiền, Phật pháp. Sự ác cảm đó hằn sâu trong suy nghĩ của cha tôi, cho đến khi ông có điều kiện tiếp xúc được nhiều hơn với các vị xuất gia với đủ phẩm cách và oai nghi, nhận ra rằng ngoài những cá nhân không tốt kia, còn có rất nhiều vị thầy đức độ, xứng đáng để tôn trọng.
Từ trường hợp của bản thân, người viết nhận ra rất rõ ràng rằng phẩm cách và oai nghi của một vị xuất gia quan trọng đến nhường nào và cũng phần nào cảm thông với phản ứng mang đầy tính cảm xúc của một số cư sĩ Phật tử trong những tình huống như đã nêu. Cũng cần nói thêm rằng, dù cho đã là người xuất gia, Tăng Ni vẫn là những con người bình thường với đủ đầy những cảm xúc phải có của loài hữu tình. Cho nên, việc họ phải hứng chịu những công kích, soi mói, bình luận có lúc vô cùng khiếm nhã của người đời, trong đó có cả những Phật tử, cư sĩ là có phần quá đáng. Chúng ta, những người đời, cũng phải chấp nhận việc Tăng Ni có những thay đổi trong sinh hoạt, phương tiện thích ứng với nhịp sống chung của thế gian, chứ không thể chỉ vì thấy họ sử dụng những phương tiện “như mình”, hoặc hành động “không như mình” nghĩ hay biết, đã vội vã lên án, đi đến những kết luận tiêu cực.
“Đã là sư thì phải là người khuôn mẫu”, đó là điều mà Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ, bậc chân tu trụ thế hơn một thế kỷ với 97 năm xuất gia tu hành, đã khẳng định. Lời dạy ngắn gọn của Đức Pháp chủ cũng đồng thời đã gói ghém trọn vẹn tâm tư và mong ước của hàng tại gia dành cho ngôi Tăng-già. Vượt qua giới hạn của thời gian hay không gian, biến thiên của thời đại, sự khuôn mẫu, gìn giữ oai nghi, tế hạnh của các vị xuất gia đã, đang và sẽ là điều tối quan trọng với thịnh suy của đạo Phật, cũng là điều mà thế nhân ngưỡng vọng, tôn kính suốt ngàn năm qua.
Kính Phật trọng Tăng - Ảnh minh họa
Trách nhiệm dẫn đường
Năm 1953, trong một bài viết dành cho các vị mới xuất gia với nhan đề “Tăng bảo”, Trưởng lão Tỷ-kheo Thích Trí Quang đã có những dòng khái lược ngắn gọn nhưng đầy súc tích về địa vị Tăng-già trong xã hội: “Chánh pháp là phương pháp làm cho con người xứng đáng là danh nghĩa con người. Như vậy Chánh pháp đối với con người quả là tuyệt đối phải có, in như con người tuyệt đối phải có trong xã hội loài người. Mà Chánh pháp ấy do ai truyền bá nếu không phải Tăng-già? Cho nên trong xã hội, địa vị Tăng-già là địa vị phải có, in như con người không thể thiếu mặt trong xã hội loài người được. Trong xã hội loài người, Tăng-già không những phải có mà địa vị Tăng-già còn phải là địa vị hướng dẫn. Tăng-già hoằng pháp lợi sanh, tự giác giác tha, nên Tăng-già là những vị hướng dẫn mọi người và làm gương mẫu cho mọi người trong các phương diện tâm đức tiến hóa (bi), trí thức tiến hóa (trí) và năng lực tiến hóa (dũng). Địa vị Tăng-già trong xã hội loài người thật là địa vị Chúng trung tôn” (Tâm ảnh lục).
Thật vậy, cũng chính bởi ý nghĩa lớn lao và trọng đại của Tăng-già, việc hàng cư sĩ Phật tử đặt kỳ vọng và niềm tin lớn lao nơi giới đức và oai nghi của các vị Tăng Ni, mong muốn các vị thật sự là mẫu mực để cho chúng cận sự nương tựa và noi theo, làm khuôn thước để dẫn đường cho họ trên lộ trình học Phật, tu Phật để hướng tới an lạc cũng là điều dễ hiểu. Đó là chưa kể, đối với người đời, đôi khi, việc nhìn thấy Tăng chúng trang nghiêm, hòa hợp; một vị xuất gia đủ đầy tế hạnh và mẫu mực, có thể tạo nên niềm cảm mến sâu xa. Và đó cũng chính là phương tiện hiệu quả dẫn họ bước lên đường đạo.
Giữa những biến chuyển liên tục của đời sống và thời cuộc, có những quan niệm phổ biến trong đời sống cách đây không lâu thì hiện tại, đã trở nên lỗi thời. Những thay đổi đó, không chỉ có ảnh hưởng trong đời mà còn tác động phần nào đến đạo.
Ngày nay, việc Tăng Ni, thậm chí cả các vị Hòa thượng, Thượng tọa lớn tuổi sử dụng Facebook, Zalo, Twitter, Instagram,… đã trở thành một điều bình thường và phần nào còn khá… thú vị, được nhiều người “kết bạn” theo dõi. Trên phương diện tích cực, việc Tăng Ni tham gia mạng xã hội tạo điều kiện tương tác giữa đạo và đời, giúp các vị nắm bắt tâm tư của quần chúng để có những phương thức thích hợp hơn trong hoằng pháp. Đặc biệt đối với giới trẻ hay người chưa hiểu nhiều về đạo Phật, mạng xã hội là phương tiện phần nào phù hợp trong việc đưa giáo pháp đến gần hơn và dễ dàng với họ. Khi hàng tỷ người trên Trái đất đều “sáng đèn” trên internet, “nhốt” đạo Phật trong những bức tường thâm trầm, những mái ngói rêu phong, tách mình ra khỏi đời sống thế tục có phải là việc nên làm?
Về mặt hành vi ứng xử, những gia giáo, phép tắc đã định hình nên lối ứng xử của con người trong đạo khá bình thường, quen thuộc với mười lăm, hai mươi năm về trước, khi đặt vào trong bối cảnh hiện tại, lại trở nên phần nào khiên cưỡng. Bây giờ, người đến chùa, đặc biệt là người trẻ thuộc thế hệ Y, Z đã không còn mang tâm thế như xưa. Nếu như đối với lớp ông bà, cha mẹ sinh ra ở những thập niên trước, người tu trong mắt họ luôn được “đặt” trên một tầng bậc vượt trên xã hội, thì với người trẻ ngày nay, khoảng cách đó đã không còn quá lớn nữa.
Việc một vị Tăng, Ni quá đạo mạo, trang trọng, nói năng phải dùng toàn những kính ngữ đôi lúc lại trở thành rào cản vô hình trong giao tiếp với bên ngoài. Cởi bỏ phần nào những ràng buộc về lễ tắc, đôi lúc, lại tạo nên những cơ hội tiếp cận mới dành cho người trẻ với giáo pháp, giúp họ tiếp xúc với cái hay, cái đẹp trong đời sống thiền môn, từ đó phá vỡ dần quan niệm vẫn còn tồn tại cho đến nay, đó là “chùa chiền chỉ là nơi dành cho các ông bà già hoặc người chán đời, yếm thế”.
Ruộng phước của thế gian
Có những lo lắng đến từ nhiều phía rằng một khi thay đổi phần nào những phép tắc cư xử vốn có như đã nêu sẽ làm xáo trộn đời sống thiền môn, khiến cho đạo Phật dần bị thế tục hóa, Tăng Ni sẽ không còn là những khuôn mẫu, mực thước cho thế gian nhìn vào. Sự lo lắng đó không phải là không có nguyên do. Chúng ta đã và đang chứng kiến một vài vị xuất gia đi vào cuộc đời, sống với cuộc đời rồi dần trở nên… đời hơn. Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, rằng bởi như thế này, tại như thế khác. Một vị xuất gia, nếu thật sự là người có đạo lực từ bên trong, được tạo nên bởi sự tu học, kỷ cương và tự chủ của bản thân, chắc chắn, dù có thay đổi ít nhiều trong ứng xử để hợp với thời đại hơn như đã nêu, ta vẫn có thể thấy được oai nghi và năng lượng bình an nằm ngay trong mỗi cử chỉ, biểu hiện nơi họ.
Khi có những hành động không phù hợp với vai trò của mình, việc một vị xuất gia phải hứng chịu sự phê phán, bình luận của đám đông là điều không thể nào tránh khỏi. Không ai có thể bịt miệng được đám đông, nhất là trong thời công nghệ số với tốc độ lan truyền của tin tức chỉ còn được tính bằng giây.
Ở vị trí của mình, người cư sĩ, Phật tử luôn kỳ vọng rằng những người xuất gia luôn là những tấm gương thật sáng đẹp và xứng đáng: Xứng đáng với trách nhiệm “xiển dương và nối tiếp dòng giống của bậc Thánh” mà các vị đã nguyện mang vác khi bước vào nhà Phật, với vai trò của bậc thầy dẫn đường; xứng đáng là “ruộng phước quý hóa nhất trên đời”. Có lẽ cũng vì vậy, khi thấy những sự việc đau lòng xảy đến, những cư xử thiếu thận trọng của một số vị thầy trên không gian mạng và trong cả đời thực, trước sự công kích từ bên ngoài thời gian gần đây, một số người cũng đã nặng lời trong lúc thiếu kiềm chế cảm xúc.
Bản thân người viết cũng là “nhân chứng” cho một “tai nạn” liên quan đến cư xử không thích hợp của một vị xuất gia. Chỉ từ một số hành vi tưởng chừng nhỏ nhặt của vị thầy trụ trì ở một ngôi chùa tại địa phương xảy ra trong tang sự của gia đình, cha tôi - từ một người vốn không thiếu thiện cảm với đạo Phật đã trở nên ác cảm với chư Tăng và ngăn cấm chúng tôi thân cận với chùa chiền, Phật pháp. Sự ác cảm đó hằn sâu trong suy nghĩ của cha tôi, cho đến khi ông có điều kiện tiếp xúc được nhiều hơn với các vị xuất gia với đủ phẩm cách và oai nghi, nhận ra rằng ngoài những cá nhân không tốt kia, còn có rất nhiều vị thầy đức độ, xứng đáng để tôn trọng.
Từ trường hợp của bản thân, người viết nhận ra rất rõ ràng rằng phẩm cách và oai nghi của một vị xuất gia quan trọng đến nhường nào và cũng phần nào cảm thông với phản ứng mang đầy tính cảm xúc của một số cư sĩ Phật tử trong những tình huống như đã nêu. Cũng cần nói thêm rằng, dù cho đã là người xuất gia, Tăng Ni vẫn là những con người bình thường với đủ đầy những cảm xúc phải có của loài hữu tình. Cho nên, việc họ phải hứng chịu những công kích, soi mói, bình luận có lúc vô cùng khiếm nhã của người đời, trong đó có cả những Phật tử, cư sĩ là có phần quá đáng. Chúng ta, những người đời, cũng phải chấp nhận việc Tăng Ni có những thay đổi trong sinh hoạt, phương tiện thích ứng với nhịp sống chung của thế gian, chứ không thể chỉ vì thấy họ sử dụng những phương tiện “như mình”, hoặc hành động “không như mình” nghĩ hay biết, đã vội vã lên án, đi đến những kết luận tiêu cực.
“Đã là sư thì phải là người khuôn mẫu”, đó là điều mà Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ, bậc chân tu trụ thế hơn một thế kỷ với 97 năm xuất gia tu hành, đã khẳng định. Lời dạy ngắn gọn của Đức Pháp chủ cũng đồng thời đã gói ghém trọn vẹn tâm tư và mong ước của hàng tại gia dành cho ngôi Tăng-già. Vượt qua giới hạn của thời gian hay không gian, biến thiên của thời đại, sự khuôn mẫu, gìn giữ oai nghi, tế hạnh của các vị xuất gia đã, đang và sẽ là điều tối quan trọng với thịnh suy của đạo Phật, cũng là điều mà thế nhân ngưỡng vọng, tôn kính suốt ngàn năm qua.
Nguyễn Phú Cường - Nguồn: Báo Giác Ngộ
Các Tin Khác