Nhìn “thấy” sự việc qua “con mắt thứ ba”
Để nhìn đời, nhìn rõ đục trong…
(Bài hát Đôi mắt của N.S Xuân Hồng).
Hai mắt chúng ta nhìn ra bên ngoài để nhìn thấy mọi việc nhưng không phải lúc nào cũng thấy được đúng sự thật, phân biệt rõ đục hay trong! Thường thì những gì ta thấy được giải mã theo bộ nhận thức của riêng mình bao gồm góc nhìn, kiến thức, niềm tin, thái độ, kinh nghiệm….và vì thế cùng một sự việc, con người nhưng được “nhìn thấy” khác nhau qua nhiều “đôi mắt” khác nhau. Nhiều người luôn tự hào về “đôi mắt” của mình nên thường hay tranh cãi với nhiều “đôi mắt” khác và đôi khi thì vội vàng lấy kết quả nhìn thấy của mình mà quả quyết đánh giá, phán xét người khác mà không cân nhắc đến nhiều yếu tố tác động khác. Điều này là một trong những nguyên nhân gây ra sự hiểu lầm, mâu thuẫn, đối nghịch lẫn nhau trong cuộc sống.
Ai cũng mong muốn có đôi mắt “sáng”, có thể nhìn rõ được sự việc được nhìn thấy và do đó đã đầu tư cho việc rèn luyện, thực hành theo nhiều phương pháp khác nhau. Đó là những những phương pháp để phát triển “con mắt thứ ba” hay trực giác hay khả năng “nhìn thấy sự vật đúng như nó là”…. Điều này có vẻ hơi cao siêu nhưng đơn giản thì đó là cách nhìn sự vật trong tổng thể xem xét nhiều yếu tố tác động (bên trong, bên ngoài, khách quan, chủ quan, kết nối hay tách biệt với cảm xúc…) đến đối tượng được nhìn thấy cũng như chính chủ thể đang nhìn để có thể nhìn và “thấy” rõ và đúng hơn.
Trong tác phẩm “Creator’s Wisdom” của Dr. Prashant Kakode (Tên Sách Tiếng Việt là Tỉnh Thức của NXB Văn Hóa SG), tác giả có nói đến con mắt thứ ba là “con mắt tâm trí” khác với con mắt trần tục, nó giúp chúng ta nhìn sâu, nhìn với thái độ mới mẻ, nhìn thấy được quá khứ tác động, phẩm chất…của một người chứ không phải chỉ là bề ngoài hay các điểm yếu, nhược điểm hiện tại theo cách nhìn của đôi mắt trần tục.
Như vậy, “con mắt thứ ba” hay “con mắt tâm trí” hay khả năng nhìn thấy sự việc đúng như nó là “sẽ hiệu quả”, màu nhiệm khác nhau tùy theo khả năng của riêng mỗi người, tuy nhiên có một điểm chung là giúp chúng ta nhìn rõ hơn một sự việc, một tình huống hay một con người.
Nếu có cơ hội, tôi sẽ chia sẻ thêm về những nội dung trên phạm vi hiểu biết và trải nghiệm của bản thân, tuy nhiên trong bài viết ngắn này tôi xin chia sẻ một số điều sau đây để có thể giúp bạn phát triển “con mắt thứ ba” một cách dễ dàng.
- Hãy thư giãn và bình tĩnh đón nhận mọi sự việc đang diễn ra.
- Chú ý quan sát kỹ và tách mình ra khỏi đối tượng (tách cảm xúc) giống như ta đang xem phim chứ không phải nhân vật trong phim.
- Tìm ra những điểm mạnh, những điểm tích cực và tập trung vào đó.
- Khi phát hiện ra những điểm tiêu cực, không phớt lờ, mà hãy tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của nó, tránh “tiêu cực” theo nó. Điều này giúp ta có cơ sở thông tin rõ hơn để nhìn và giải quyết vấn đề tốt hơn và có thể chuyển đổi từ tiêu cực thành tích cực, từ khó khăn thành cơ hội.
- Có tâm thái chấp nhận, đón nhận , rộng mở, tha thứ và tiến đến sự hòa hợp. Hãy luôn nhớ rằng mọi sự khác biệt, bất ngờ đều là chuyện hiển nhiên.
- Luôn nhận thức rõ rằng sẽ luôn có cơ hội trong sự thử thách, khó khăn của sự việc hay luôn có điểm tốt đẹp từ người khác mà ta có vai trò phải tìm thấy.
- Mỗi đối tượng được nhìn thấy (sự việc, con người) đều là một kết quả của một quá trình tác động có tính nhân quả, chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố, lực tác động, tác nhân, điều kiện, hoàn cảnh và chúng ta phải chịu khó nhìn sâu và tìm hiểu quá trình này.
Có thể ngắn gọn hơn, “con mắt thứ ba” là con mắt nhìn không căn cứ trên yếu tố vật thể, vật lý mà là cách nhìn phi vật thể, nhìn thấy nhiều hơn với tâm thái rộng mở, đón nhận, không xao động cảm xúc, chứa đựng sự yêu thương, quan tâm và tích cực tìm kiếm điểm tốt, cơ hội từ đối tượng được nhìn thấy.
Nguyễn Tuấn Kiệt