Tâm và tính
Tuy nhiên, người tu trước tiên phải kiên tâm định tính. Tính vốn là bản chất tự nhiên, ta phải rèn luyện cho được tròn trịa sáng rỡ thì mới diệu dụng, tính liên quan tới tình, tính và tình phát động thì như rắn cọp hung dữ làm càn, nếu không rèn luyện tính và tình, hàng phục chúng thì sao khử được thói hung dữ làm càn của chúng ta để trở về hư vô?
Người tu hành phải có tính tình hồn nhiên, thuần hậu. Các vị tổ đã thực hành, lại còn phải khóa tâm viên và xiềng ý mã. Sở dĩ gọi là tâm viên ý mã, vì tâm của ta như con vượn chuyền cành, ý của ta như ngựa chạy rong. Do đó, mà phải xiềng xích tâm và ý; cho tâm không lăng xăng, cho ý không bung lung để chúng ta trở về tỉnh định.
Hễ tỉnh thì muôn tư lự điều hết, hễ định thì một niệm chẳng sinh, phải khiến cho tâm không có chút tạp niệm, không chút chướng ngại, trống rỗng hư không, không chấp trước cái gì, mịt mịt, mờ mờ. Gọi là một sợi tóc không mắc vào người, một hột bụi không nhiễm. Đó là Thầy nói về Tâm và Tính của chúng ta để xem lại bản thân mình cho rõ hơn.
Thích Minh Độ