Tìm điều tốt của người, nhận điều lỗi của mình
Khi tâm chứa nghĩ điều tốt của người, đó là ta tồn dương. Thường nhớ nghĩ điều xấu của kẻ khác thì ta tồn âm. Chúng ta chẳng nên lầm lẫn điều này. Kẻ ngu thường thích làm càn, cho mình là đúng không bao giờ y chịu tìm cái tốt của kẻ khác cho nên y có điều oán. Hễ nhiều oán thì nhiều khổ. Bậc tiền bối đạo đức thì luôn nhún mình, chỉ sợ là mình không đúng; bao giờ các Ngài cũng thích lấy cái tốt của người nên chỉ luôn được lợi ích. Hễ nhiều ích thì nhiều tài năng. Hễ biết tìm ưu điểm của người thì mình sẽ có năng lực nội tại tiếp nhận vạn linh, phá đứt đi dây duyên nợ chằng chịt trong vòng sanh tử. Hễ tâm nghĩ tới một chuyện tốt thì lòng thêm một phần dương quang. Khi mình có thể dung nạp tất cả dương quang của mọi người (tức là thấy đặng ưu điểm, cái hay cái đẹp của mọi người) thì mình có thể quy tụ vạn linh. Vậy nên, tìm cái ưu điểm, cái hay nơi người, là “chân kim” (vàng thiệt). Song khi tập tìm chuyện tốt, mình phải có chí. Bởi vì từ chỗ chưa thấy cái hay của người đến lúc tìm ra chỗ tốt của y, đòi hỏi mình phải nhẫn nại ghê lắm. Dù chẳng thể nhẫn đặng, mình phải nhẫn cho kỳ được. Nhất là khi tìm ra ưu điểm của kẻ ác thì niềm oán ghét, hận thù đối với y sẽ tự nhiên tiêu tan, do đó dây oán nghiệt sẽ tự giải khai. Như có bà nọ thường chửi rủa, đối xử với tôi tệ lắm. Tôi nghĩ: “Kẻ xấu ác cũng phải có điểm tốt, nếu không làm sao y sống?”. Do đó ngày đêm tôi chú ý xem xét tìm kiếm cái hay đẹp của bà ta. Cuối cùng tôi tìm ra! Tôi liền nói với bà ta: “Tánh là sao phước; Tâm là sao lộc; Thân là sao thọ. Tâm của bà tốt lắm, bởi bà làm rất nhiều việc có công cho người đời. Chỉ có tánh của bà là không nhường nhịn ai, do đó chưa hưởng được phước”. Nghe xong bà ta khâm phục, sửa đổi tánh nết liền. Khi tìm điểm tốt của ai chớ sanh cãi vã, tranh lý (dù là với chính mình). Hễ tranh lý thì mình xa rời đạo lắm lắm vậy. Tôi có bà cô tánh điêu ngoa mà lại hung tợn. Bà ta rất thích uống rượu; rượu uống rồi thì ắt phải chửi rủa người. Tôi tự nghĩ, bà ta điêu ngoa ác vậy mà không sanh bịnh; nếu mà với người khác mà sanh hoạt kiểu đó ắt đã ngã bịnh rồi. Lý nào? Nhất định bà ta có điều tốt lắm, có điều tôi chưa thấy ra. Do vậy tôi lập chí, thề nếu không tìm ra sẽ không ăn cơm. Nhịn đói như vậy được ba ngày, qua ngày thứ tư, nằm suy tư ngẫm nghĩ, tôi chợt khám phá ra! A! Té ra bà hay ở chỗ là không bao giờ nhớ đến cừu hận. Như thử bà sắp chửi rủa ông Ba, ông ta bịnh kịch liệt ra đấy. Mau mau giúp ông ta trị cho lành! Bởi vì bà làm nghề châm cứu, cho nên khi nghe vậy bà lập tức đi liền, dù là nửa đêm, một hai giờ khuya. Bà hoàn toàn không để ý tới thù hằn, chửi rủa gì cả. Đó là điểm hay khiến bà ta chưa sanh bịnh. Do đó tôi liền giải thích cho bà nghe. Bà ta chẳng những không chửi rủa tôi mà còn vui vẻ, cho rằng tôi có lương tâm giúp bà. Do đây tôi mới biết đi tìm ưu điểm của người là căn bản của việc hành đạo vậy.
Chấp nhận mình sai lầm là nước trí huệ. Nước có thể điều hòa 5 vị, phối hợp 5 màu. Người nào luyện được tánh như nước thì sẽ thành đạo. Cổ nhân dạy: Thượng thiện nhược thủy (Điều thiện cao cả nhất giống như nước vậy).
***
Làm người, ta phải biết tận hiếu với cha mẹ, hòa thuận hết mực với anh em. Nếu biết lo tròn bổn phận chính mình, thì tự nhiên gia đình sẽ êm ấm. Nếu nhà yên thì nước tự an định. Sách Đại Học có dạy: “Phép làm cha, con, anh, em mà lo tròn thì sau mới nói đến phép làm dân.” Nếu dựa vào lời xưa mà thật hành thì ắt ta có thể đắc đạo.
Tiếc thay người đời nay: cha mong con thành kẻ tốt; chồng muốn vợ thành người ngoan, song không ai chịu từ nơi tự thân mình mà hạ thủ công phu. Cho nên kết quả là: Tôi khống chế anh, anh quản lý tôi; cứ thế khống chế lẫn nhau đến độ biến thành cừu hận. Đó đúng là “bỏ gốc, theo ngọn” Người quản lý người làm việc giống hệt như cầm gậy kêu chó. Càng kêu, chó càng chạy xa. Do đó, “Quản lý người là việc địa ngục.”
Quản lý kẻ khác là giả,
Quản lý chính mình mới là chân thật.
Đi đây đi đó thuyết pháp, hoằng đạo thì phải lấy việc hiến thân, hy sinh mạng mình vì đạo làm nguyên tắc. Sự hiểu biết giáo pháp chỉ là Lý. Đem sự hiểu biết ấy thực hành thì mới gọi là Đạo. Giảng Đạo cho chân thật thì mới thức tỉnh được người nghe. Hành Đạo cho chân thật thì mới cảm hóa sửa đổi được kẻ khác. Đạo có thể dưỡng tâm. Đức thì dưỡng tánh. Nếu bạn không có công đức chân thật, thì bạn không có khả năng cảm hóa người khác. Kẻ không thực hành dù có giảng hay đến độ trời phải mưa hoa, người nghe sẽ vẫn không tin tưởng, còn sanh phỉ báng. Kẻ có thật hành, dù nói lời thô sơ, người nghe vẫn cảm thấy có đạo lý, lòng vui tin phục.
Vương Phụng Nghi
Theo Tịnh Độ