Tối nào mẹ cũng niệm Phật...
Ngày đăng: 01:47:57 21-08-2017 . Xem: 23632
Mẹ không sinh ra tôi nhưng mẹ luôn sống trong tôi, từng sát-na...
Đó là vào mùa bóng đá France 98 diễn ra tại Pháp, tôi đến miền quê yên tĩnh của mẹ - khi đi theo thầy là một ông họa sĩ già. Tôi học vẽ, sơn bảng quảng cáo, chạm khắc bia mộ trên đá đen và… nấu cơm, đi chợ, chăm sóc ông thầy. Dòng sông lững lờ trôi trước xưởng vẽ, lục bình nở hoa tím biếc trên sông.
Thầy tôi rất trầm lặng, có khi suốt ngày thầy trò không nói với nhau tiếng nào. Thầy có cuộc sống nội tâm rất chi lôi cuốn.
Thầy tôi học mỹ thuật vào thời Pháp thuộc, sau đó học Anh ngữ và làm thông dịch viên. Tôi nâng niu những kỷ niệm ông giữ gìn đã úa màu theo thời gian: bức hình chụp ông nơi công sở khi còn rất trẻ, hình đứa bé gái mà ông nuôi là cháu ruột có bút tích ông ghi ở sau “mẹ nghèo đói, cậu nuôi” và cả những kỷ vật riêng…
Tôi chẳng học được gì nhiều, cái được lớn nhất là khám phá miền quê yên tĩnh, hít thở không khí trong lành.
Tôi thường đi sâu vào trong, qua xóm đạo, qua nhà thờ, đến bến đò có ông lão đưa đò hiền lành. Bên kia sông là xóm của những người dân không theo đạo Công giáo. Mẹ tôi ở đó.
Xóm của mẹ tôi trĩu nặng những cành cam, rất nhiều cam. Nhà mẹ đơn sơ tranh tre, có khoảnh sân nhỏ để phơi lúa, có cái liếp bằng lá dừa để che mưa ngang mặt nhà.
Mẹ lúc đó đã rất yếu, nhưng vui vẻ, hóm hỉnh, lạc quan. Biết mẹ thương, tôi thường đi bộ hàng cây số để giúp mẹ làm cỏ, chăm sóc mấy công đất và mảnh vườn nhỏ trồng cam. Làm theo kiểu của tôi, cũng không được nhiều nhưng mẹ lại luôn khen: “Thằng này giỏi, dân chợ mà biết làm ruộng”. Khi tôi về xưởng vẽ, mẹ lại dúi cho tiền, gạo, rau bù ngót, chuối vườn. Tình mẹ con ấm áp làm sao!
Mẹ có người con trai bị bệnh tâm thần nặng, suốt ngày gào rú, phải nhốt cách ly, rất khổ, tôi đã tự nguyện làm vệ sinh chăm sóc cậu ấy, tôi rất thương mẹ.
Từ ngày biết mẹ tôi coi việc làm ruộng là việc chính, học vẽ là việc phụ! Tôi mê mải tưới những cây cam xanh tươi trĩu quả, phơi lúa, nhổ cỏ… bỏ mặc ông thầy lập dị với đủ mọi bức họa, hình chạm thuộc mọi trường phái, đủ mọi khuynh hướng đến hỗn loạn của ông. Nhưng có món gì ngon tôi lại lội bộ đem ra cho ông ăn, “tiếp tế” cho thầy.
Mẹ tôi rất thành tâm thờ và lạy Phật. Trong gian nhà lá của mẹ, bức ảnh Phật Thích Ca lớn lộng trong khung kính được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Tối nào mẹ cũng dành thời gian quỳ niệm Phật, bất luận khung cảnh chung quanh có như thế nào. Mẹ nói nhiều với tôi về luân hồi, về nhân quả, luân lý, đạo làm người…
Có những buổi đi làm đồng về, dầm trong mưa lạnh cóng, đã thấy ở nhà sau là xô nước ấm mẹ nấu sẵn cho tắm! Cảm động làm sao. Mẹ thường nói: “Tao không lường công mày đâu!”, Mà tôi nào có nghĩ chi về tiền bạc, công cán, cái tôi cần là tình thương, sự yên tĩnh và cuộc sống trong lành.
Đến một hôm mẹ kêu tôi ra sau và cho tôi một xấp tiền gói trong khăn tay. Mẹ nói: “Con ra chợ mua một chiếc nhẫn nào mà con thích, đây là tiền của con!”. Đối với tôi, đấy là số tiền rất lớn. Tôi đã nhận tiền của mẹ cho và đạp xe ra chợ. Lần đầu tiên trong đời đi mua vàng, lần đầu tiên có một số tiền “to” như vậy! Đường đến chợ chim hót líu lo, cây cỏ như hân hoan chia vui với tôi (tiền ghê vậy đó!).
Đến tiệm vàng, tôi run run hỏi giá và chọn mua một chiếc nhẫn, đường về cũng hân hoan không kém.
Tôi đã không đeo chiếc nhẫn ấy và cất rất kỹ. Ở vùng quê còn nhiều nghèo khó này, một chiếc nhẫn như thế là tài sản lớn. Chút chút tôi lại lấy ra ngắm. Ôi! Nó đẹp làm sao, lóng lánh! Mẹ bắt gặp, móm mém cười. Tôi nói sẽ giữ nhẫn suốt đời. Mẹ nói: “Cuộc sống vô thường, thân ta còn không giữ được. Đời mẹ bao nhiêu là vàng vòng, kỷ vật nay chẳng còn gì, tấm thân xinh đẹp ngày xưa giờ đã già nua bệnh hoạn”.
Đó là thuyết pháp đấy, sống động và sâu sắc lắm.
Bằng lời nói, việc làm của mình, bằng thân giáo - khẩu giáo - ý giáo, mẹ đã đưa tôi đến một chỗ có thể nhìn thấy cửa nhà Phật, nơi mà mẹ là đệ tử ở đó.
Mẹ chăm sóc tôi, dạy dỗ tôi theo cách mẹ gọi là giáo huấn, như một người mẹ theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mẹ nói: “Khi mẹ mất rồi, con nhớ đến mẹ thì đến bất cứ chùa nào thắp hương, cúng một ít tiền cầu nguyện cho mẹ được vãng sanh”.
Nay mẹ đã qua đời. Phật đã thị hiện qua hình ảnh mẹ để dẫn tôi đến con đường đi đến chỗ nhìn thấy cuộc sống là vô thường, là bể khổ, thân là bất tịnh, pháp là vô ngã… để tìm thấy hạnh phúc cho chính đời này, kiếp này.
Một nén nhang kính dâng cho người.
Đó là vào mùa bóng đá France 98 diễn ra tại Pháp, tôi đến miền quê yên tĩnh của mẹ - khi đi theo thầy là một ông họa sĩ già. Tôi học vẽ, sơn bảng quảng cáo, chạm khắc bia mộ trên đá đen và… nấu cơm, đi chợ, chăm sóc ông thầy. Dòng sông lững lờ trôi trước xưởng vẽ, lục bình nở hoa tím biếc trên sông.
Thầy tôi rất trầm lặng, có khi suốt ngày thầy trò không nói với nhau tiếng nào. Thầy có cuộc sống nội tâm rất chi lôi cuốn.
Thầy tôi học mỹ thuật vào thời Pháp thuộc, sau đó học Anh ngữ và làm thông dịch viên. Tôi nâng niu những kỷ niệm ông giữ gìn đã úa màu theo thời gian: bức hình chụp ông nơi công sở khi còn rất trẻ, hình đứa bé gái mà ông nuôi là cháu ruột có bút tích ông ghi ở sau “mẹ nghèo đói, cậu nuôi” và cả những kỷ vật riêng…
Tôi chẳng học được gì nhiều, cái được lớn nhất là khám phá miền quê yên tĩnh, hít thở không khí trong lành.
Tôi thường đi sâu vào trong, qua xóm đạo, qua nhà thờ, đến bến đò có ông lão đưa đò hiền lành. Bên kia sông là xóm của những người dân không theo đạo Công giáo. Mẹ tôi ở đó.
Xóm của mẹ tôi trĩu nặng những cành cam, rất nhiều cam. Nhà mẹ đơn sơ tranh tre, có khoảnh sân nhỏ để phơi lúa, có cái liếp bằng lá dừa để che mưa ngang mặt nhà.
Mẹ lúc đó đã rất yếu, nhưng vui vẻ, hóm hỉnh, lạc quan. Biết mẹ thương, tôi thường đi bộ hàng cây số để giúp mẹ làm cỏ, chăm sóc mấy công đất và mảnh vườn nhỏ trồng cam. Làm theo kiểu của tôi, cũng không được nhiều nhưng mẹ lại luôn khen: “Thằng này giỏi, dân chợ mà biết làm ruộng”. Khi tôi về xưởng vẽ, mẹ lại dúi cho tiền, gạo, rau bù ngót, chuối vườn. Tình mẹ con ấm áp làm sao!
Mẹ có người con trai bị bệnh tâm thần nặng, suốt ngày gào rú, phải nhốt cách ly, rất khổ, tôi đã tự nguyện làm vệ sinh chăm sóc cậu ấy, tôi rất thương mẹ.
Từ ngày biết mẹ tôi coi việc làm ruộng là việc chính, học vẽ là việc phụ! Tôi mê mải tưới những cây cam xanh tươi trĩu quả, phơi lúa, nhổ cỏ… bỏ mặc ông thầy lập dị với đủ mọi bức họa, hình chạm thuộc mọi trường phái, đủ mọi khuynh hướng đến hỗn loạn của ông. Nhưng có món gì ngon tôi lại lội bộ đem ra cho ông ăn, “tiếp tế” cho thầy.
Mẹ tôi rất thành tâm thờ và lạy Phật. Trong gian nhà lá của mẹ, bức ảnh Phật Thích Ca lớn lộng trong khung kính được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Tối nào mẹ cũng dành thời gian quỳ niệm Phật, bất luận khung cảnh chung quanh có như thế nào. Mẹ nói nhiều với tôi về luân hồi, về nhân quả, luân lý, đạo làm người…
Có những buổi đi làm đồng về, dầm trong mưa lạnh cóng, đã thấy ở nhà sau là xô nước ấm mẹ nấu sẵn cho tắm! Cảm động làm sao. Mẹ thường nói: “Tao không lường công mày đâu!”, Mà tôi nào có nghĩ chi về tiền bạc, công cán, cái tôi cần là tình thương, sự yên tĩnh và cuộc sống trong lành.
Đến một hôm mẹ kêu tôi ra sau và cho tôi một xấp tiền gói trong khăn tay. Mẹ nói: “Con ra chợ mua một chiếc nhẫn nào mà con thích, đây là tiền của con!”. Đối với tôi, đấy là số tiền rất lớn. Tôi đã nhận tiền của mẹ cho và đạp xe ra chợ. Lần đầu tiên trong đời đi mua vàng, lần đầu tiên có một số tiền “to” như vậy! Đường đến chợ chim hót líu lo, cây cỏ như hân hoan chia vui với tôi (tiền ghê vậy đó!).
Đến tiệm vàng, tôi run run hỏi giá và chọn mua một chiếc nhẫn, đường về cũng hân hoan không kém.
Tôi đã không đeo chiếc nhẫn ấy và cất rất kỹ. Ở vùng quê còn nhiều nghèo khó này, một chiếc nhẫn như thế là tài sản lớn. Chút chút tôi lại lấy ra ngắm. Ôi! Nó đẹp làm sao, lóng lánh! Mẹ bắt gặp, móm mém cười. Tôi nói sẽ giữ nhẫn suốt đời. Mẹ nói: “Cuộc sống vô thường, thân ta còn không giữ được. Đời mẹ bao nhiêu là vàng vòng, kỷ vật nay chẳng còn gì, tấm thân xinh đẹp ngày xưa giờ đã già nua bệnh hoạn”.
Đó là thuyết pháp đấy, sống động và sâu sắc lắm.
Bằng lời nói, việc làm của mình, bằng thân giáo - khẩu giáo - ý giáo, mẹ đã đưa tôi đến một chỗ có thể nhìn thấy cửa nhà Phật, nơi mà mẹ là đệ tử ở đó.
Mẹ chăm sóc tôi, dạy dỗ tôi theo cách mẹ gọi là giáo huấn, như một người mẹ theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mẹ nói: “Khi mẹ mất rồi, con nhớ đến mẹ thì đến bất cứ chùa nào thắp hương, cúng một ít tiền cầu nguyện cho mẹ được vãng sanh”.
Nay mẹ đã qua đời. Phật đã thị hiện qua hình ảnh mẹ để dẫn tôi đến con đường đi đến chỗ nhìn thấy cuộc sống là vô thường, là bể khổ, thân là bất tịnh, pháp là vô ngã… để tìm thấy hạnh phúc cho chính đời này, kiếp này.
Một nén nhang kính dâng cho người.
Nguyễn Thành Công
Theo Giacngo
Theo Giacngo
Các Tin Khác