Hà Nội: Thuyết trình giả thuyết về “Tu di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý”
Thuyết trình giả thuyết về “Tu di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý” |
Tại đây, thuyết trình chủ đề “Sơ lược về đèn đá Á Đông và Việt Nam” được trình bày bởi Hiệu Sicula, thành viên nhóm nghiên cứu của Sen Heritage.
Đèn với tư cách là một dạng pháp khí phổ biến trong văn hóa Phật giáo (cả Nam truyền lẫn Bắc truyền), được sử dụng trong các pháp hội khác nhau với nhiều nghi lễ và ý nghĩa biểu tượng. Trong đó, thắp đèn là nghi thức thờ cúng có rất nhiều ý nghĩa và giá trị sâu sắc, hành động đốt đèn giống như việc thắp lên ánh sáng trí tuệ, giác ngộ của bản thân và chư Phật.
Một ngọn đèn có thể thắp sáng được thêm nhiều ngọn đèn khác thể hiện ý nghĩa giống như sự lan toả trí tuệ, công đức của việc tu tập và truyền bá giáo pháp.
Phần thuyết trình khoa học thứ hai là của PGS.TS.Trần Trọng Dương, đưa ra giả thuyết về hình ảnh tượng Thích Ca sơ sinh tọa trên cột đá chạm búp sen rồng cuốn thời nhà Lý. Tác giả đã tập trung về quá trình nghiên cứu từ hiện vật khảo cổ: trụ đá Ngọc Hà, chân đá chùa Phật Tích, đỉnh hoa sen tại bảo tàng Bắc Ninh... cho đến quá trình lắp ghép các mảnh vỡ lịch sử để tạo nên giả thuyết phục dựng tu di đài của thời Lý. Tu di đài này có khả năng áp dụng cho nhiều loại hình hiện vật khác nhau như: làm đài đèn hay đài sen đặt tượng Thích Ca sơ sinh.
Giả thuyết về hình ảnh tượng Thích Ca sơ sinh tọa trên cột đá chạm búp sen rồng cuốn thời nhà Lý |
Từ việc giải mã ý nghĩa biểu tượng trên, bài thuyết trình sẽ mở rộng hơn đến nghi lễ và lịch sử của lễ Phật đản trong văn hóa Đại Việt thời Lý, cũng như nghiên cứu so sánh sang các nền văn hóa khác ở Nam Á và Đông Á.
Sau phần tọa đàm, đã diễn ra lễ công bố bản phục dựng “Đài đèn thời Lý và Tu di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý”, bao gồm các sản phẩm: bản vẽ 2D concept, bản vẽ 3D trụ đá, bản VR3D thực tế ảo của đài đèn và Thích Ca sơ sinh trong không gian VR3D chùa Diên Hựu thời Lý, bản AR tu di đài Thích Ca sơ sinh, bản mockup của tu di đài, bản phỏng dựng 3D- VR3D-VR Thích Ca sơ sinh dựa theo phong cách mỹ thuật thời Lý.
Bên cạnh đó, buổi ra thuyết trình cũng trình bày các sản phẩm khoa học bằng kính VR, và mã QR để trình diễn công nghệ AR để có thể quay trở về quá khứ khi được di chuyển trong chùa tháp Một Cột - Diên Hựu thời Lý, nơi diễn ra nghi lễ Tắm Phật vào ngày rằm tháng Giêng hay lễ Phật đản như văn bia Sùng Thiện Diên Linh mô tả. Và được lắng nghe phần thuyết minh về nghi lễ Tắm Phật tại chùa Phật Tích từ các cứ liệu khảo cổ học.
Nếu như các sản phẩm ứng dụng công nghệ thực tế ảo - thực tế tăng cường giúp người trải nghiệm bước chân vào quá khứ, truyền tải thông điệp và giá trị của di sản Phật giáo qua lăng kính của thị giác, thì các sản phẩm mockup là những vật phẩm thực để đưa di sản trở lại với đời sống xã hội. Đây là một hành động thiết thực vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị văn hóa, tư tưởng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc tại buổi thuyết trình |
Chính vì vậy, với khát khao và mong ước các di sản và văn hóa Phật giáo thời Lý có thể tiếp tục “hồi sinh và lan tỏa”.
Các phiên bản hiện vật tu di tòa Thích Ca sơ sinh sẽ được trưng bày và đặt trong không gian lễ Phật đản tại chùa Quán Sứ và chùa Phật Tích vào ngày 19-5-2021 (tức ngày 8 tháng Tư Âm lịch) tới.
Tin, ảnh Chu Minh Khôi - Nguồn: Báo Giác Ngộ