Dấu ấn mùa hạ
Hạ đến, thu sang, đông tàn, xuân lại; đó chính là định luật tất yếu của thời gian. Nó trôi nhanh như bóng câu lướt nhẹ, hình ảnh của mùa hạ năm ngoái vẫn còn lưu giữ trong ký ức của chư Tăng, thì mùa hạ năm nay lại trở về trong lòng của mỗi người con Phật. Đứng trước mùa cấm túc an cư, nhất là đối với hàng xuất gia thì mùa an cư chính là dấu ấn thời gian để chúng ta thọ nhận hạ lạp, đánh dấu sự thăng hoa trên hành trình tu tập trong giáo pháp của đức Phật.
Chúng ta được mệnh danh là trưởng tử Như Lai, vậy chúng ta cần phải làm gì đây trong việc lập chí, lập nguyện, phát tâm tu tập? Hay là chúng ta cứ để cho mọi việc ngày qua tháng lại dần dà trôi đi, rồi cứ thế trôi mãi như chảy theo dòng vô định; cho đến lúc thân thể và tinh thần mỗi ngày mỗi suy giảm, sức cùng lực kiệt, thân tâm chuyển đổi theo định luật vô thường, không còn cơ hội tu tập thì khi ấy, chúng ta chợt nghĩ bèn thốt lên rằng: “lực bất tòng tâm”, không còn sức để mà hành trì, tu tập nữa. Thật luống uổng cho quĩ thời gian của chúng ta bị tiêu tan, xem như vô vị.
Cho nên, mỗi mùa hạ về tức là báo hiệu, nhắc nhở cho mọi người biết đây là mùa câu hội của chúng Tăng. Tăng chúng cần phải cùng nhau ở chung lại (An Cư), ngồi chung lại với nhau để tô bồi Tâm Bồ Đề (tu tập), xây dựng ngôi nhà đức hạnh làm chỗ dựa cho nhân gian. Ở chốn thiền môn cũng như các trú xứ an cư phải giữ gìn truyền thống luân phiên tụng niệm, để chúng ta luôn nghe được hồi chuông tiếng mõ mà tự nhắc nhở sự tỉnh thức cho nhau. Mục đích chính là nhắc nhở chư Tăng hằng thúc liễm thân tâm, và đó cũng là một hình thức để nói lên rằng: đây là mùa tu tập của chư Tăng ở các trụ xứ an cư và cũng là nền móng cho sự mô phạm, trợ duyên cho hàng Phật tử nôi theo.
Nếu như chúng ta sống có chánh niệm trong thực tại thì thật là cao quí. Ôi! hạnh phúc thay, vì chúng ta chính là hàng Tăng bảo đang sống trong ánh hào quang của đức Từ phụ Thích Ca. Bởi Tăng bảo chính là kế tục ngọn đèn tiếp nối chánh pháp, tiếp nhận nguồn tuệ giác của mười phương ba đời chư Như Lai để lưu truyền cho tất cả chúng sanh trong chốn nhân gian này.
Như vậy, chúng ta cần nên làm gì đây để xứng đáng là một hạt nhân trong thiền môn, trong Tăng đoàn? Hoặc ít nhất thì đây là cơ hội tốt để chúng ta tự soi xét lại trong ý thức tu chỉnh ba nghiệp thân, khẩu, ý của chính mình cho được xét nét hơn, chi ly hơn.
Trước tiên nói về “thân”, chúng ta cần phải chấn chỉnh trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi cho được hoàn chỉnh. Phàm là vị Tăng, tức là người “đại Phật tuyên dương” (đại diện cho đức Phật mà hoằng dương chánh pháp) thì chúng ta cần nên chứng tỏ hành trang của mình như thế nào đây? Cần nên phát nguyện lạy Phật, bái sám v.v… để diệt trừ những chướng duyên phiền não, hay là chúng ta cứ để buông xuôi theo dòng chảy của thời gian?
Về “khẩu”, chúng ta làm gì đây? Có phải là chúng ta nên đọc tụng kinh điển để gọi là “minh Phật chi lý” bằng tinh thần tự khắc, tự kỷ hay không; hay là cứ làm việc như mọi ngày, khi gặp trần duyên thì cứ tiếp xúc theo kiểu thao thao hý luận, không có ý niệm là mình đang trong mùa an cư, kiết hạ? Trong khi đó thì duyên trần tương hợp, nếu nhìn người đang mùa an cư mà đụng đâu nói đó, thấy gì cũng nói bu lu, ba la thì chúng ta nghĩ sao?
Về “ý” thì chúng ta cần phải luôn có ý niệm đây là mùa an cư kiết hạ. Vì ý là chủ lực cho hai động cơ thân và khẩu, nên nó đóng một vai trò hết sức quan trọng, chúng ta cần tỉnh giác chuyên ròng.
Nói đến an cư thì phải nhắc đến kiết hạ, mà ý nghĩa kiết hạ thì như chúng ta đã biết trong ba tháng mùa hạ ở xứ Ấn Độ là mùa mưa, nên Phật chế an cư cho chư tăng ở yên một chỗ, không đi khất thực; nếu đi nhiều thì sợ dẫm đạp những loài vi trùng làm tổn hại lòng tư bi, vì đó là mùa sanh sôi nảy nở của tất cả các loài côn trùng. Hơn nữa, chư Tăng không đi khất thực là để có được nhiều thời gian ở trong một trú xứ, suy xét lại những việc làm của chính mình được chuyên ròng hơn. Còn ở quốc độ này tuy thời tiết có khác, nhưng theo sự thống nhất chung thì vào mùa hạ chư Tăng tập trung ở một trú xứ để tu tập đúng pháp thì ý nghĩa và công đức cũng không khác. Lợi ích của việc an cư thật là vi diệu, nên tổ đức có dạy: “chế tâm nhứt xứ vô sự bất biện” (khi tâm tập trung một chỗ, thì việc làm gì cũng hoàn tất).
Thế thì, an cư kiết hạ chính là để tạo điều kiện cho chúng ta cùng nhau sách tấn tu tập, phát nguyện hành trì; học hỏi thêm về tam tạng giáo điển (kinh, luật, luận), trau dồi thêm kiến thức về đạo lý; nhiếp phục những chướng duyên, ma chướng; bớt tiếp xúc với trần duyên sẽ giảm đi sự tán tâm. Hay nói cách khác, an cư kiết hạ là nhằm làm sáng tỏ viên như ý châu vốn có ở trong ta mà chúng ta đã thường quên mất trong những lúc bận bịu, say mê việc thường nhật. Nên chư Tổ dạy rằng:
“Phản văn tự kỷ mỗi thường quan
Thẩm sát tư duy tử tế nan”.
(Xem lại điều mình thấy những ngày,
Suy đi nghĩ lại kỹ càng hay).
Mấy dòng thơ trên đã nhắc nhở mình cần phải nghe lại những gì đang diễn biến ở trong tự tâm (phản văn, văn tự kỷ), vì đó là một việc làm rất ý nghĩa cho thực tại. Có như thế thì mình mới có được chút ít ý niệm được gọi là khế hợp thánh ý.
Lợi ích và ý nghĩa của mùa an cư thật là thâm diệu vô cùng. Cho nên, để vun bồi công hạnh, nhất là giới trẻ chúng ta hiện nay khí lực còn sung mãn, tinh thần đầy nhiệt huyết; chúng ta phải tự trang bị cho mình một ý chí dõng mãnh, kiện lực oai hùng, căn lành tăng trưởng, bồ đề tâm kiên cố, ngõ hầu trở thành bậc long tượng đống lương cho Phật pháp, lợi ích cho cả nhơn, thiên; góp phần công đức cho tất cả được sống an lành trong ánh đạo, và pháp giới chúng sanh cùng thọ hưởng được hương vị giải thoát từ giáo lý Phật đà.
Triều Dương