Dòng sông thơ - dòng sông Phật đản
Dòng sông, dòng chảy vô tri giác nhưng gần gũi và thân thiết với con người đến mức người ta nhân hóa và nâng nó lên thành con - con sông. Đã là con thì cũng như con người và bao nhiêu con vật khác: có tri giác, có vui buồn, có giận hờn, có tình cảm, có tâm tư... Chính con người đã thổi hồn vào cho các dòng sông, hay nói đúng hơn, chính con người đã làm cho các dòng sông sống dậy, trở thành người bạn thân thiết với con người. Các nền văn minh lớn của nhân loại đều hình thành và phát triển ven các dòng sông, mang tên của chính dòng sông tạo nên nền văn minh đó, như nền Văn minh sông Ấn - sông Hằng (Ấn Độ), nền văn minh Lưỡng Hà (Iran, Irak..), nền văn minh sông Hồng (Việt Nam), nền văn minh sông Nile (Ai Cập), nền văn minh sông Hoàng Hà (Trung Quốc)... Nhiều nghệ sỹ, văn nhân, thi nhân, nhà nghiên cứu cũng lấy tên dòng sông quê hương làm nghệ danh, bút danh như nhà thơ Tản Đà (núi Tản sông Đà), nhà thơ Thu Bồn, Thạch Hãn (Tức Chế Lan Viên), nghệ sỹ Trà Giang,... và có một người mà tôi có duyên quen biết và đã chỉ điểm cho tôi mấy chiêu viết lách, đó là nhà nghiên cứu văn học Vu Gia.
Ở đâu cũng có những dòng chảy nên thơ, ở đâu cũng có những con sông êm đềm và lãng mạn níu kéo chân người đi và những người con quê hương quay về nguồn cội. Với tôi, và có lẽ với nhiều người dân quê tôi, dòng sông quê tôi chính là dòng sông thơ, dòng sông Phật đản! Ngay cái tên con sông đã gợi lên nhiều cung bậc cảm xúc cho mọi người: Sông Hương. Dòng sông êm đềm như dải lụa quàng lấy kinh thành Huế cổ kính trầm mặc. Đó là “Dòng sông ai đã đặt tên/ Để người đi nhớ Huế không quên /Xa con sông mang bao nỗi nhớ /Người ở lại tháng năm đợi chờ”.
Nhắc đến Huế là nhắc đến thành phố của thi ca nhạc họa. Nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc họa đó bắt nguồn từ chính con người và văn hóa bản địa và còn phải kể đến nguồn đóng góp cảm hứng bất tận cho thi ca, nhạc họa Huế lên ngôi, đó chính là dòng sông Hương. Không xét về khía cạnh kinh tế, du lịch, địa dư và lịch sử; chỉ riêng nét thơ, nét nhạc,sông Hương đã đi vào lòng người qua những tình khúc da diết, qua những vần thơ lay động lòng người.
Chúng ta có “Hương Giang nhất phiến nguyệt, kim cổ hứa đa sầu” (Sông Hương trăng một mảnh, xưa nay biết bao sầu) đầy tâm trạng trong Thu Chí của Nguyễn Du. Chúng ta có “Trường giang như kiếm lập thanh thiên” (Sông Hương như kiếm dựng trời xanh) đầy ngạo khí trong Hiểu quá Hương Giang của Cao Bá Quát. Và với vua Thiệu Trị thì sông Hương "Nhất phiến uyên nguyên hộ đế thành" bảo vệ kinh đô. Với Hàn Mặc Tử thì đó là một dòng sông trăng gắn liền với bài thơ tên tuổi Đây Thôn Vĩ Dạ của ông,...
Tâm trạng, thân phận của dòng sông Hương cũng luôn gắn liền với những cung bậc cảm xúc của con người, với những thăng trầm thịnh suy của thời thế, mang trong mình bao nỗi niềm tâm sự sâu kín. Có lúc thì "Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu" (Thu Bồn). Lúc dòng sông vui thì Ngày đó sông Hương chưa từng biết buồn nhưng khi buồn vì một sớm anh đi không lời giã từ thì nổi cơn thịnh nộ, từ đó sông Hương biết hờn biết giận, mỗi năm nhớ người nước lũ tràn dâng, rồi cũng có những lúc con sông yếu mềm đau bệnh thuyền chao chạnh bao ngày sông bệnh!... Con người có bao nhiêu tâm trạng thì sông Hương cũng có bấy nhiêu nỗi niềm. Sông Hương như người mẹ hiền bao dung. Tiếng sông Hương cũng chính là tiếng lòng của chính mình. Biết bao nhạc sỹ, tao nhân mặc khách đã đến Huế, ghé lại dòng sông Hương và để lại những ân tình khó quên cho con sông dùng dằng con sông không chảy đó những tình khúc bất tử, những áng thơ lừng danh. Chúng ta không thể liệt kê hết những thi ca, nhạc phẩm mà họ đã viết dành tặng cho sông Hương, cho Huế.
Nhưng người ta nhớ về sông Hương không phải chỉ vì thế, người ta còn nhớ về một dòng Hương khác, rất khác, rất lung linh, rất huyền ảo và tràn ngập không gian văn hóa tâm linh - Dòng sông Phật đản!
Ai đã một lần ghé qua Huế mùa Phật đản chắc không thể quên một dòng Hương lung linh sắc màu cờ hoa mùa Phật đản. Bốn mùa xuân hạ thu đông, dòng sông nhạc thơ, thơ nhạc như quyện vào nhau, nhưng trong những ngày tháng Tư âm lịch, tất cả như nhường chỗ cho một sông Hương tâm linh rất Phật giáo! Giọng ca Huế trên sông Hương nghe như trầm lại, điệu nhạc du dương hằng ngày cũng bớt đầy bớt vơi hơn, bớt nỗi niềm tâm sự hơn. Thay vào đó là tiếng kinh thanh thoát mùa Phật đản của chư tôn đức làm lễ bên bờ sông, tiếng ca trầm hùng của đoàn sinh gia đình Phật tử, tiếng chuông trống của đoàn thuyền rước Phật trên sông.
Hằng ngày, sông Hương như dải lụa xanh vắt qua kinh thành Huế, đôi bờ chỉ điểm nhẹ những cành phượng đỏ thì khi mùa Phật đản về, đôi bờ dòng sông rực rỡ sắc màu của cờ ngũ sắc Phật giáo. Chính giữa dòng sông, bảy đóa sen hồng khổng lồ làm tâm điểm cho mọi ánh mắt đổ về. Chiều mồng 8 tháng 4 âm lịch hằng năm, lễ hạ thủy bảy đóa sen lại diễn ra trang nghiêm trên bờ sông.Tiếng kinh cầu, tiếng chuông trống hòa lẫn trong không gian mầu nhiệm tháng Tư khánh đản. Màu vàng của y hậu, màu nâu, màu lam, màu cờ, màu hoa, màu của dòng người đổ về làm lễ, chiêm ngưỡng... làm dòng Hương vốn trầm mặc, êm dịu chảy mà như không chảy thức tỉnh, hân hoan. Đêm đến, bảy đóa sen tỏa sáng lung linh huyền diệu. Giữa bầu trời đêm đen, bảy đóa sen khổng lồ thắp sáng một khúc sông đẹp đến mê hồn. Đó chính là bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc, đón mừng Bồ tát xuống trần gian xưa kia bổng túc liên hoa tùng địa phát khi đức Phật đản sanh. Điểm thêm nét lung linh cho dòng sông là những hoa đăng do người dân thả xuống dòng sông với bao ước nguyện.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế, nhưng
Rồi tháng 7, năm mười hai tuổi ấy
Tôi xa nhà theo Phật gọi tiểu Ni
nên Huế trong tôi và sông Hương trong tôi không có nhiều kỷ niệm. Tuổi thơ tôi gắn liền với dòng sông nhỏ bao quanh làng chứ không phải được đắm mình nghịch nước sông Hương. Sông Hương trong tôi chỉ là nhưng lần ngồi hóng mát ở bờ sông nhìn thuyền rồng qua lại, nghe văng vẳng câu hò; hay là những lần đi qua Trường Tiền, theo bờ sông Hương lên chùa Thiên Mụ ngắm nhìn dòng sông từ đồi Hà Khê. Thế mà năm nào cũng vậy, hễ cứ đến mùa Phật đản, ở biệt tận xứ người tôi lại ước ao được về Huế, về nhìn sóng nước sông Hương mùa khánh đản. Nhưng ước ao chỉ là ao ước. Ở xứ người, chùa tôi cũng tấp nập lo Phật đản - một không gian Phật đản rất khác với Huế - nên không thể về quê.
Rồi năm nọ, một ngày tháng Tư âm lịch, sau 20 năm xa xứ, lần đầu tiên tôi về quê hương đúng mùa Phật Đản. Đó chính là lần mà tôi đứng tần ngần và đìu hiu man mác khó tả trước dòng sông Hương. Tôi, người con tha hương quay về quê cũ, ngang qua Tràng Tiền, ghé lại bờ sông Hương. Vẫn cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp, vẫn dòng sông Hương thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng, Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo, nhưng sao cứ thấy sông nước man mác, gió nhẹ đìu hiu như lòng người con tha hương biệt xứ biệt tăm, lâu lâu quay về rồi lại lên đường, có gì đó miên man buồn hoài cổ, đìu hiu đến lạ:
Vạn trùng non nước vạn trùng mây
Trở lại rồi đây những tháng ngày
Vũ trụ bao la lòng người hẹp
Mây trắng ngang trời mây trắng bay.
Lần ấy cũng vội vội vàng vàng, cùng cô em gái chụp nhanh mấy tấm hình kỷ niệm không gian Phật đản dòng Hương rồi lại đi! Nghiệp tha hương là thế! Một cảm giác lạ, vừa vui mừng vừa luyến tiếc khó nói nên lời. Lần đó Huế đang tấp nập mùa Phật đản. Phật đản ở Huế phải gọi là mùa Phật đản chứ không phải là tuần Phật đản hay ngày Phật đản. Từ trước ngày Phật đản rất lâu người dân đã làm lồng đèn Phật đản, đến gần ngày Phật đản là họ gánh lồng đèn đi bán ở các chợ hoặc các con đường. Nhiều con đường tấp nập người mua người bán lồng đèn. Hai chị em cũng mua mấy chiếc lồng đèn về nhà treo. Cờ Phật giáo được treo khắp phố phường, từ trung tâm thành phố cho đến tận làng quê, hay dọc quốc lộ 1A. Chùa treo cờ, nhà dân treo cờ, ngoài đường treo cờ, chiếc đò trên sông Hương cũng treo cờ, đâu đâu cũng rợp màu cờ hân hoan đón mừng ngày khánh đản. Thật ấn tượng làm sao!
Tôi đã có dịp tham dự lễ Phật đản ở một vài nơi ở Việt Nam và đi qua một vài quốc gia châu Á khác nhân dịp mùa Phật đản nhưng không thấy nơi đâu lại có không khí Phật đản từng bừng như ở Huế. Đó cũng là cảm nhận của những người đã từng có dịp tham dự và chứng kiến mùa Phật đản ở Huế, ở sông Hương chứ không phải cảm nhận của riêng tôi. Và ấn tượng nhất với tôi vẫn là dòng sông ấy! Dòng sông của thi thơ, nhạc họa và tháng 4 về, đó là dòng sông Phật Đản với những chiếc thuyền rồng rước Phật được trang trí cờ hoa nối đuôi nhau thắp sáng cả dòng Hương, với lồng đèn và cờ ngũ sắc hai bên bờ sông, với những con người hớn hở vui cười hân hoan đón ngày Như Lai giáng thế!
Chắc chắn có nhiều người Ước hẹn ngày nào anh đến Huế/ tìm đến sông Hương ngắm du thuyền, và cũng có nhiều người:
Ước một ngày ta về với Huế
Nhìn ngắm sông Hương đang chuyển mình
Cờ, hoa, khánh nguyện vang sông nước
Đón mừng Bồ tát xuống trần gian.
Riêng tôi cũng:
Giã từ quê cũ tha phương khách
Cố đô năm tháng vọng quay về.
Quay về với nơi có bao nhiêu người thân thương đang sống ở đó, nhưng nhiều lúc đơn giản quay về chỉ để tham dự một mùa Phật đản trên dòng sông quê hương - dòng sông Phật đản!
Thông Tiên
(Bài viết được biên tập lại)