Lá thư gửi Bụt
Ngày đăng: 02:23:16 25-05-2020 . Xem: 11951
Tôi đã từng nói lời xin lỗi với nhiều người, nhưng mùa Phật đản năm nay, ở tuổi 37, tôi đã nói hai tiếng “xin lỗi” với đứa con 12 tuổi của mình.
Từ những dòng thư…
Từ đầu tháng Ba âm lịch, tôi đưa cho con gái tôi một quyển kinh và gợi ý con chép kinh kính mừng Phật đản. Con tôi hỏi: “Con có thể viết lời ước dâng lên Đức Phật được không mẹ”, tôi gật đầu, hoan hỷ với suy nghĩ của con gái. Tôi giao ước rằng con sẽ chép kinh trước, đến đầu tháng Tư - tháng Phật đản, tôi chép sau. Lý do vì thời gian này, tôi còn bộn bề với việc vận động quà chia sẻ với người dân vùng xa bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Một tháng sau đó, sau chuyến đi từ thiện ở tỉnh, vừa về đến cổng, con chạy ù từ trong nhà ra mừng rồi đưa cho tôi quyển sổ, khoe là đã chép kinh và lời ước xong và muốn tôi xem. Tôi thấy vui vì thời gian nghỉ ở nhà tránh dịch, con dành thời gian chép kinh, điều đó đồng nghĩa với việc con không xem ti-vi, xem điện thoại nhiều.
Tuy nhiên, tối hôm đó, tôi như chết lặng khi đọc quyển sổ của con, biết được suy nghĩ, tình cảm của con: “Bụt của con, con có một ước mơ, đó là mơ ở bên mẹ nhiều hơn một chút. Mẹ con cuối tuần thường đi từ thiện, con biết là mẹ làm như vậy là giúp cho người nghèo có cơm ăn, cho các bạn bằng tuổi như con cũng có niềm vui. Nhưng mà, con cũng cần có mẹ, mà mẹ cứ đi hoài”.
Đức Phật và trẻ thơ - Ảnh minh họa
Lật từng trang giấy, đọc từng dòng chữ con nắn nót, nước mắt tôi rớt xuống làm nhòe đi nét chữ: “Bụt thương yêu, có nhiều khi mẹ đi từ thiện về đêm khuya, về nhà mẹ lăn ra ngủ. Con biết mẹ mệt, con rất thương mẹ. Nhưng mà con đã háo hức thức đợi mẹ từ chiều, mong mẹ về để khoe con vừa được điểm 10 kiểm tra môn Toán, muốn mẹ khen con, và con đã không có được niềm vui đó. Nhiều khi con nghĩ, mẹ thương các bạn nhà nghèo bên ngoài còn hơn thương con. Con cũng có suy nghĩ, con không phải là con của mẹ nhưng nhiều lần con không dám nói, sợ bị rầy, rồi con ôm gối khóc một mình. Con tủi thân…”
Tôi nhận ra, cái ước muốn của con thật nhỏ nhoi, niềm hạnh phúc của con cũng đơn giản lắm, vậy mà người mẹ như tôi đã không lắng nghe, không quan tâm, nên đã không hiểu được: “Bụt của con, con biết Bụt có tấm lòng rất từ bi, vậy có thể nào giúp con, cho mẹ cũng thương con như thương các bạn bên ngoài không ạ. Một tháng, chỉ cần một lần vào ngày cuối tuần mẹ dành riêng cho con là con mãn nguyện rồi, còn ba lần còn lại mẹ đi làm từ thiện cũng được. Con rất muốn được chia sẻ tình thương...”.
“Mẹ ơi, con muốn đi chơi…!”
Lời của con đã khiến tôi giật mình, bừng tỉnh. Tôi tự hỏi lòng, mình làm mẹ kiểu gì để con tổn thương đến nỗi phải mang cảm giác nó không phải do mình đẻ ra? Chẳng phải tình thương của mẹ dành cho con là tuyệt đối, là đặc quyền mà mỗi đứa trẻ đều được nhận từ ba mẹ hay sao? Ấy vậy mà con tôi lại buồn bã nói rằng muốn được chia sẻ tình thương. Con nói như thế, nghĩa là thời gian qua, nó thiếu thốn tình thương của mẹ và bị tổn thương nhiều lắm.
Tôi chợt thấy những gì mà tôi cho con trong thời gian qua, không phải là thứ mà con tôi cần nhất: thức ăn có sẵn trong tủ lạnh, tiện nghi có đủ trong nhà, sân vườn rộng, có hoa, có chỗ ngồi thư giãn,… Vậy nhưng cái con thực sự muốn có lại là sự quan tâm của mẹ. Tôi bắt đầu nhớ ra những khoảnh khắc ở cùng đứa trẻ này, dù là đi chợ hay đi hái rau ngoài vườn, chỉ cần có mẹ bên cạnh thì ánh mắt của nó bao giờ cũng ánh lên niềm hạnh phúc.
Tôi cũng nhớ lại những lúc bản thân áp lực, stress tột độ trong công việc đến nỗi về nhà rồi mà cảm xúc khó chịu trong người vẫn tràn ngập. Con vừa thấy tôi về tới cửa là chạy ra mừng rỡ, kéo tay nói với tôi: “Mẹ ơi, con muốn đi chơi, mình đi công viên ha mẹ, đi uống sinh tố ha mẹ!” để rồi bị tôi lạnh lùng từ chối thẳng thừng vì quá mệt. Con bé có tội gì đâu, vậy mà phải hứng chịu cảm xúc tiêu cực của tôi trút lên. Nghĩ đến đây, tôi vừa hối hận, vừa cảm thấy thương con mình quá đỗi.
Đã bao lần tôi thất hứa với con, nói là dẫn con ra ngoại ô chơi nhưng rồi chị bạn đến rủ đi phát quà cho những đứa trẻ mồ côi, tôi lại thỏ thẻ xin khất với con và phó thác con cho ông xã ở nhà. Tôi nhớ lại những dòng chữ trong kinh Thương yêu của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài… Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất”.
Đó là câu tôi tâm đắc và cố gắng thực hành mỗi khi làm công tác từ thiện. Nhưng bây giờ, tôi bỗng thấy xấu hổ vô cùng khi nhìn lại bản thân. Tôi là người mẹ, nhưng thời gian qua, có đôi lúc lại quên thể hiện tình thương với chính đứa con của mình. Con của mình, mình quên thương nó, đôi lúc còn cộc cằn với nó, thì việc đi từ thiện, gọi là chia sẻ yêu thương với bên ngoài, có còn trọn vẹn ý nghĩa nữa không? Nước mắt tôi chảy dài khi tôi viết từng dòng sám hối vào quyển sổ để nhắc nhở mình.
Lời xin lỗi của mẹ
Mùa Phật đản năm nay, thay vì viết kinh Thương yêu, tôi đã viết lời sám hối với Bụt, lặp đi lặp lại 2.564 lần lời hứa sẽ yêu thương con mình hơn, quan sát từng việc làm của con, nắm bắt tâm tư tình cảm của con, là chỗ dựa cho con một cách đúng nghĩa nhất, không để con thiếu hụt tình thương hay cảm thấy chênh vênh một mình.
Đêm đó, tôi thức cả đêm để “viết thư” cho con, nhưng kỳ lạ thay, tôi không cảm thấy mệt, không hề buồn ngủ, mặc dù vừa di chuyển hơn 10 tiếng đồng hồ trở về từ chuyến từ thiện. Tôi chép lời hứa với con vào quyển sổ, ông xã tôi biết. Mỗi lần đi ngang qua, anh dòm vào dòng chữ đang viết, đặt tay lên vai tôi an ủi, động viên. Từng câu chữ tôi viết là lòng chân thành xin lỗi con, là quán chiếu yêu thương, là mong muốn làm một người mẹ đúng nghĩa và cũng là người bạn thân nhất của con; sẽ cùng con bước qua mọi buồn vui của cuộc sống.
Ngày hôm sau, trước khi xuống bếp làm đồ ăn sáng cho cả nhà, tôi vào phòng con, đánh thức con dậy, đưa con quyển sổ mà tôi viết và bảo đây là quà của mẹ. Khoảng 30 phút sau, khi tôi lui cui dọn thức ăn sáng ra bàn, từ đằng sau đôi bàn tay nhỏ của con choàng ôm tôi. Quay người lại, tôi bắt gặp ánh mắt con đỏ hoe. Con không nói gì, chỉ ôm chặt tôi. Tôi càng nói xin lỗi thì vòng tay con càng siết chặt và con khóc càng to. Tôi cảm nhận được sự hạnh phúc của con, cảm nhận nỗi uất ức lâu rồi mới được có cơ hội giải tỏa bằng tiếng khóc cho thỏa lòng.
Trong khoảnh khắc đó, ông xã tôi lên tiếng: “Lát nữa cả nhà mình đi siêu thị cùng nhau, mua đồ về chiều nay mình ra vườn tổ chức tiệc nướng”. Con bé không nói gì, chỉ quệt nước mắt vào áo tôi, nhoẻn miệng cười sung sướng. Tôi nhìn sâu vào ánh mắt bé con. Đúng là lâu rồi tôi không chú ý đến con trẻ, ánh mắt đó nhắc nhở tôi về thiên chức của một người mẹ. Cửa sổ tâm hồn của con thế nào, u buồn hay đong đầy hạnh phúc, một phần là bởi người mẹ như tôi.
Tôi cảm thấy may mắn khi đã kịp sửa sai và bù đắp tình yêu thương dành cho con mình. Mùa Phật đản nhờ vậy mà đến với mái ấm gia đình tôi thực sự an lành và viên mãn.
Huyền Trang - Nguồn: Giác Ngộ
Từ những dòng thư…
Từ đầu tháng Ba âm lịch, tôi đưa cho con gái tôi một quyển kinh và gợi ý con chép kinh kính mừng Phật đản. Con tôi hỏi: “Con có thể viết lời ước dâng lên Đức Phật được không mẹ”, tôi gật đầu, hoan hỷ với suy nghĩ của con gái. Tôi giao ước rằng con sẽ chép kinh trước, đến đầu tháng Tư - tháng Phật đản, tôi chép sau. Lý do vì thời gian này, tôi còn bộn bề với việc vận động quà chia sẻ với người dân vùng xa bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Một tháng sau đó, sau chuyến đi từ thiện ở tỉnh, vừa về đến cổng, con chạy ù từ trong nhà ra mừng rồi đưa cho tôi quyển sổ, khoe là đã chép kinh và lời ước xong và muốn tôi xem. Tôi thấy vui vì thời gian nghỉ ở nhà tránh dịch, con dành thời gian chép kinh, điều đó đồng nghĩa với việc con không xem ti-vi, xem điện thoại nhiều.
Tuy nhiên, tối hôm đó, tôi như chết lặng khi đọc quyển sổ của con, biết được suy nghĩ, tình cảm của con: “Bụt của con, con có một ước mơ, đó là mơ ở bên mẹ nhiều hơn một chút. Mẹ con cuối tuần thường đi từ thiện, con biết là mẹ làm như vậy là giúp cho người nghèo có cơm ăn, cho các bạn bằng tuổi như con cũng có niềm vui. Nhưng mà, con cũng cần có mẹ, mà mẹ cứ đi hoài”.
Đức Phật và trẻ thơ - Ảnh minh họa
Lật từng trang giấy, đọc từng dòng chữ con nắn nót, nước mắt tôi rớt xuống làm nhòe đi nét chữ: “Bụt thương yêu, có nhiều khi mẹ đi từ thiện về đêm khuya, về nhà mẹ lăn ra ngủ. Con biết mẹ mệt, con rất thương mẹ. Nhưng mà con đã háo hức thức đợi mẹ từ chiều, mong mẹ về để khoe con vừa được điểm 10 kiểm tra môn Toán, muốn mẹ khen con, và con đã không có được niềm vui đó. Nhiều khi con nghĩ, mẹ thương các bạn nhà nghèo bên ngoài còn hơn thương con. Con cũng có suy nghĩ, con không phải là con của mẹ nhưng nhiều lần con không dám nói, sợ bị rầy, rồi con ôm gối khóc một mình. Con tủi thân…”
Tôi nhận ra, cái ước muốn của con thật nhỏ nhoi, niềm hạnh phúc của con cũng đơn giản lắm, vậy mà người mẹ như tôi đã không lắng nghe, không quan tâm, nên đã không hiểu được: “Bụt của con, con biết Bụt có tấm lòng rất từ bi, vậy có thể nào giúp con, cho mẹ cũng thương con như thương các bạn bên ngoài không ạ. Một tháng, chỉ cần một lần vào ngày cuối tuần mẹ dành riêng cho con là con mãn nguyện rồi, còn ba lần còn lại mẹ đi làm từ thiện cũng được. Con rất muốn được chia sẻ tình thương...”.
“Mẹ ơi, con muốn đi chơi…!”
Lời của con đã khiến tôi giật mình, bừng tỉnh. Tôi tự hỏi lòng, mình làm mẹ kiểu gì để con tổn thương đến nỗi phải mang cảm giác nó không phải do mình đẻ ra? Chẳng phải tình thương của mẹ dành cho con là tuyệt đối, là đặc quyền mà mỗi đứa trẻ đều được nhận từ ba mẹ hay sao? Ấy vậy mà con tôi lại buồn bã nói rằng muốn được chia sẻ tình thương. Con nói như thế, nghĩa là thời gian qua, nó thiếu thốn tình thương của mẹ và bị tổn thương nhiều lắm.
Tôi chợt thấy những gì mà tôi cho con trong thời gian qua, không phải là thứ mà con tôi cần nhất: thức ăn có sẵn trong tủ lạnh, tiện nghi có đủ trong nhà, sân vườn rộng, có hoa, có chỗ ngồi thư giãn,… Vậy nhưng cái con thực sự muốn có lại là sự quan tâm của mẹ. Tôi bắt đầu nhớ ra những khoảnh khắc ở cùng đứa trẻ này, dù là đi chợ hay đi hái rau ngoài vườn, chỉ cần có mẹ bên cạnh thì ánh mắt của nó bao giờ cũng ánh lên niềm hạnh phúc.
Tôi cũng nhớ lại những lúc bản thân áp lực, stress tột độ trong công việc đến nỗi về nhà rồi mà cảm xúc khó chịu trong người vẫn tràn ngập. Con vừa thấy tôi về tới cửa là chạy ra mừng rỡ, kéo tay nói với tôi: “Mẹ ơi, con muốn đi chơi, mình đi công viên ha mẹ, đi uống sinh tố ha mẹ!” để rồi bị tôi lạnh lùng từ chối thẳng thừng vì quá mệt. Con bé có tội gì đâu, vậy mà phải hứng chịu cảm xúc tiêu cực của tôi trút lên. Nghĩ đến đây, tôi vừa hối hận, vừa cảm thấy thương con mình quá đỗi.
Đã bao lần tôi thất hứa với con, nói là dẫn con ra ngoại ô chơi nhưng rồi chị bạn đến rủ đi phát quà cho những đứa trẻ mồ côi, tôi lại thỏ thẻ xin khất với con và phó thác con cho ông xã ở nhà. Tôi nhớ lại những dòng chữ trong kinh Thương yêu của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài… Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất”.
Đó là câu tôi tâm đắc và cố gắng thực hành mỗi khi làm công tác từ thiện. Nhưng bây giờ, tôi bỗng thấy xấu hổ vô cùng khi nhìn lại bản thân. Tôi là người mẹ, nhưng thời gian qua, có đôi lúc lại quên thể hiện tình thương với chính đứa con của mình. Con của mình, mình quên thương nó, đôi lúc còn cộc cằn với nó, thì việc đi từ thiện, gọi là chia sẻ yêu thương với bên ngoài, có còn trọn vẹn ý nghĩa nữa không? Nước mắt tôi chảy dài khi tôi viết từng dòng sám hối vào quyển sổ để nhắc nhở mình.
Lời xin lỗi của mẹ
Mùa Phật đản năm nay, thay vì viết kinh Thương yêu, tôi đã viết lời sám hối với Bụt, lặp đi lặp lại 2.564 lần lời hứa sẽ yêu thương con mình hơn, quan sát từng việc làm của con, nắm bắt tâm tư tình cảm của con, là chỗ dựa cho con một cách đúng nghĩa nhất, không để con thiếu hụt tình thương hay cảm thấy chênh vênh một mình.
Đêm đó, tôi thức cả đêm để “viết thư” cho con, nhưng kỳ lạ thay, tôi không cảm thấy mệt, không hề buồn ngủ, mặc dù vừa di chuyển hơn 10 tiếng đồng hồ trở về từ chuyến từ thiện. Tôi chép lời hứa với con vào quyển sổ, ông xã tôi biết. Mỗi lần đi ngang qua, anh dòm vào dòng chữ đang viết, đặt tay lên vai tôi an ủi, động viên. Từng câu chữ tôi viết là lòng chân thành xin lỗi con, là quán chiếu yêu thương, là mong muốn làm một người mẹ đúng nghĩa và cũng là người bạn thân nhất của con; sẽ cùng con bước qua mọi buồn vui của cuộc sống.
Ngày hôm sau, trước khi xuống bếp làm đồ ăn sáng cho cả nhà, tôi vào phòng con, đánh thức con dậy, đưa con quyển sổ mà tôi viết và bảo đây là quà của mẹ. Khoảng 30 phút sau, khi tôi lui cui dọn thức ăn sáng ra bàn, từ đằng sau đôi bàn tay nhỏ của con choàng ôm tôi. Quay người lại, tôi bắt gặp ánh mắt con đỏ hoe. Con không nói gì, chỉ ôm chặt tôi. Tôi càng nói xin lỗi thì vòng tay con càng siết chặt và con khóc càng to. Tôi cảm nhận được sự hạnh phúc của con, cảm nhận nỗi uất ức lâu rồi mới được có cơ hội giải tỏa bằng tiếng khóc cho thỏa lòng.
Trong khoảnh khắc đó, ông xã tôi lên tiếng: “Lát nữa cả nhà mình đi siêu thị cùng nhau, mua đồ về chiều nay mình ra vườn tổ chức tiệc nướng”. Con bé không nói gì, chỉ quệt nước mắt vào áo tôi, nhoẻn miệng cười sung sướng. Tôi nhìn sâu vào ánh mắt bé con. Đúng là lâu rồi tôi không chú ý đến con trẻ, ánh mắt đó nhắc nhở tôi về thiên chức của một người mẹ. Cửa sổ tâm hồn của con thế nào, u buồn hay đong đầy hạnh phúc, một phần là bởi người mẹ như tôi.
Tôi cảm thấy may mắn khi đã kịp sửa sai và bù đắp tình yêu thương dành cho con mình. Mùa Phật đản nhờ vậy mà đến với mái ấm gia đình tôi thực sự an lành và viên mãn.
Huyền Trang - Nguồn: Giác Ngộ
Các Tin Khác