Sự chuyển hóa từ một tâm hồn
Nhà triết học J.P.Sartre có viết rằng: “Con người là tổng thể các hành động của mình” (L’homme est la somme de ses actes). Hành động gồm cả hành động của thân, khẩu và ý. Chúng ta luôn luôn tạo ra hành động và chính hành động dẫn ta về tương lai. Thông thường ta hay nghĩ khi hình hài này tan rã thì tất cả không còn gì nữa, nghĩ như vậy không có lý lắm. A.L Lavoisier, nhà khoa học Pháp nói rằng: “Không có gì sinh ra và cũng không có gì mất đi” (Rien ne se crée, rien ne se perd).
Mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành động đều mang một dấu ấn mà thuật ngữ Phật học gọi là Nghiệp. Nếu chúng ta muốn biết tương lai của chúng ta như thế nào chỉ cần nhìn vào ba nghiệp thân, khẩu, ý trong hiện tại. Thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều có viết:
“Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”
D.T – Suzuki, một luận sư Thiền học danh tiếng người Nhật đã nhận định “Cái dựng lên cá biệt tính của một người không khác gì hơn chính là Nghiệp của y” và rồi ông trích dẫn kinh Samyuktamkaya để xác nhận ý kiến của mình, đồng thời quan niệm rằng “A lại da thức là nơi mà các chủng tử Nghiệp ký thác trong đó, là một hậu quả tất nhiên”.
” Những hành vi tốt xấu của nó
Kẻ trần gian nào cũng làm khi ở đây
Nó có thể gọi là sở hữu của mình
Nó mang theo cái đó khi chết
Cái đó đi theo nó
Như hình bóng không rời”
(Thiền luận – Quyển Trung)
Theo Duy thức học thì cả 51 tâm sở đều nằm trong A lại Da thức (hay Tàng thức) dưới dạng chủng tử hay còn gọi là hạt giống và mỗi khi có một hạt giống được tưới tẩm thì hạt giống đó được biểu hiện trên ý thức, thì được gọi là tâm hành. Chủng tử là một khái niệm nói về căn hay cội nguồn sẵn có của tâm thức, nó vốn vô thuỷ, là động lực của khuôn mẫu tâm lý. Mọi hiện tượng tâm lý luôn luôn sinh khởi và mất dạng đều nương tựa vào chủng từ sẵn có hay còn gọi là chủng tử bản hữu trong Tàng thức hay A lại da thức.
Vì vậy cho nên đối với thế giới thực tại khách quan như không gian, thời gian, đất, nước, gió, lửa, phương hướng..v.v. là những điều cơ bản cấu trúc nên hình thái của muôn loài kể cả hữu tình, vô tình. Biên độ của không gian và thời gian là biểu hiện của tâm thức. Cho nên không, thời gian, tâm thức là một tổng thể bất khả phân ly.
Trên phương diện sự di truyền của nghiệp, ta quan tâm đến chủng tử tân huân, tập khí và sự huân tập. Tân huân chủng tử là hạt giống mới được gieo vào A lại da thức hay Tàng thức do sự giao tiếp hiện tại, còn huân tập là sự vun đắp, tưới tẩm cho chủng tử có sẵn đang ngủ yên chưa hiện khởi, tức chưa trở thành hiện tượng thật sự.
Chẳng hạn một ai đó bắt đầu niệm Phật là tân huân, rồi mỗi ngày đều niệm là huân tập và ý niệm về Đức Phật luôn luôn ghi dấu trong lòng, ngày ngày thể hiện thành phong thái trong cuộc sống của người đó thì gọi là tập khí. Như vậy, tân huân, huân tập và tập khí là một tiến trình trở nên và trở thành của đời sống tâm thức, nó chính là tính cách, phong cách riêng của mỗi cá nhân nên còn gọi là biệt nghiệp.
Lời dạy của Phật được ghi lại trong hầu hết các kinh tạng rằng: “Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng, từ đó mà con người sinh ra, nghiệp cũng là bằng hữu của con người chính nó”.
Theo triết học Duy thức, một chủng tử bao giờ cũng gồm 2 phần, phần bản hữu và phẩn tân huân. Một sự chuyển hoá có tính 2 chiều giữa 2 phần này, là tâm điểm của mọi sáng tạo, do vậy các chủng tử trong A lại da thức, không ngừng sinh trưởng, bổ túc cho nhau giữa hai phần. Đây chính là nội dung duyên khởi của A lai da qua chủng tử và hiện hành.
Tập khí, như vậy là hiện thân của Nghiệp, nó định hình tính cách vừa sinh học, lại vừa định hình tính cách tâm lý và do đó nó là hiện thân của con người toàn diện thân – tâm gồm cả mặt tâm lý và vật lý. Như vậy, tập khí hay phong thái sống của mỗi cá nhân có thể phản ánh một phần nào đó về xã hội mà cá nhân đang sống vì anh ta được mô tả như một thành viên mang tâm thức cá biệt, vừa mang tâm thức cộng đồng.
Về nguyên tắc cơ bản ta không thấy được 51 tâm sở vì chúng ở dạng tiềm tại (hạt giống) và khi có điều kiện thì nó biểu hiện ra. Ví dụ chủng tử hỉ lạc có điều kiện biểu hiện thành tâm hành vui thì ta mới thấy được sự vui vẻ. Ta có thể tương thích bằng hình ảnh A lại da thức có vai trò như đĩa DVD thì màn hình vi tính đại diện cho ý thức. Bỏ đĩa vào máy cho khởi động thì dữ liệu trong đĩa sẽ hiện lên màn hình.
Trong 51 tâm sở có nhóm phổ biến nhất luôn luôn có mặt trong mọi lúc là “xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư” nên được gọi là “Tâm sở biến hành“. Xúc biểu hiện cho va chạm, tác ý là lưu ý tới; thọ là cảm thọ; tưởng là tri giác về điều gì đó và tư tức là quyết định. Tâm sở bất thiện gồm các nhóm tham, sân, si.
Năm tâm sở biến hành hoạt động miệt mài và dàn trải cùng khắp tất cả các Thức, chúng luôn luôn nương tựa vào nhau, chúng là nội dung của Thức. Cũng vì vậy mà Thức quyết định chiều sâu của tâm hành. Chẳng hạn trong nội tâm của con người, ai chẳng có lúc vui, có lúc buồn. Trong nỗi buồn thì có lúc buồn man mác, có lúc buồn sâu thẳm, tuỳ thuộc vào đặc thù của nhân duyên tâm – cảnh.
“Chiều chiều ra đứng ngỏ sau
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều”
(Ca dao)
Đây là tâm sự sâu thẳm buồn trong nỗi nhớ của người phụ nữ thời xa xưa, cam phận trong tục lệ hôn nhân thời phong kiến, tình cảm đôi lứa chưa kịp chớm nở, nhưng phải vội vả lấy chồng xa nhà. Trong hoàn cảnh tâm lý cô tịch, không gian một buổi chiều tà, nỗi nhớ nhung cuộn tròn tâm thức như một phiến sầu. Cùng một nỗi nhớ đồng vọng của tha hương, nhưng tâm trạng của nhà thơ Hồ Dếnh lại chỉ có buồn man mác nhẹ nhàng hơn, và giàu tính lãng mạn của một lữ khách trong những tháng ngày phiêu bạc.
“Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây …”
Một tâm hành luôn luôn có 2 phần: kiến phần (phần chủ thể) và tướng phần (phần đối tượng). Bất cứ tâm sở nào cũng vậy khi biểu hiện lên ý thức thì nó chỉ là một tâm hành, hoàn toàn không có một cái ngả nào điều hành phía sau. Chẳng hạn, khi quan sát một ai thóa mạ mình tức khắc cái giận nổi lên, ta hiểu là tâm hành cơn giận hiện khởi lên chứ mình không đứng sau cơn giận đó.
Triết gia David Hume có lần viết: “Thức là một tia sáng hay một chuỗi tri giác khác nhau diễn biến liên tục với một tốc độ phi thường“. Cách phát biểu của triết gia có thể hiểu là tâm hành biểu hiện liên tiếp, nối nhau như một dòng chảy. Khi xem một đoạn phim ta đều có một cảm giác như một câu chuyện có thật, xe chạy vù vù, người chạy đua trên đường.v.v. nhưng thật ra đâu có phải vậy, đó là những thước phim gồm nhiều bức tranh riêng lẻ rời rạc liên kết nối tiếp nhau, triết gia Henry Bergson gọi là “Kỹ thuật điện ảnh của tâm” (Cinemagraphic mechanic of the mind)
Các tâm hành biến hiện cực nhanh và diễn ra liên tục gây cho ta cảm giác Thức là một hiện hữu trường tồn. Tuy nhiên các chủng tử cũng cần phải có một số điều kiện (nhân duyên) để biểu hiện tức trở thành tâm hành. Thế giới quan Duy thức được ngắm nhìn bằng đôi mắt nhân duyên. Từ con người cho đến thế giới hiện tượng sự vật, tất cả đều là hiện hữu của nhân duyên và khái niệm Duy thức đồng nghĩa với khái niệm Nhân duyên. Có thể kể đến bốn trường hợp: Nhân duyên, Sở duyên, Tăng thượng duyên và Đẳng vô gián duyên. Bốn duyên này chính là nguyên tắc cơ bản của sự thiết lập nên hướng nhìn tốt nhất đối với con người vì nó được mô tả là một tổng thể toàn vẹn của quan hệ và của các giá trị tương quan lẫn nhau.
- Nhân duyên và tăng thượng duyên có thể hiểu là điều kiện cần, không có hạt giống thì không thể có gì hình thành được. Không có hạt lúa thì không thể có cây lúa. Cái lớn đã tồn tại trong cái nhỏ nếu có những điều khác (tăng thượng duyên) đi vào thì cái nhỏ có thể trở thành cái lớn. Một nhà toán học kỳ tài lừng danh, ắt ông ta phải có năng khiếu toán học (hạt giống) rồi với điều kiện gặp Thầy, gặp bạn bè đồng nghiệp và sách vở (tăng thượng duyên), ông ta sẽ sáng tạo Toán học có hiệu quả. Điều đó cũng xảy ra tương tự cho các nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn có danh tiếng. Chúng ta cũng có hạt giống Phật tính tuy nhỏ, còn bị che lấp bởi vô minh, chúng ta cần phải có điều kiện hỗ trợ khác như Tăng thân, Thiện tri thức, thọ trì nhẫn nại kinh điển (tăng thượng duyên) thì Phật tính có cơ hội tăng trưởng.
- Sở duyên là điều kiện cơ bản để cho hạt giống biểu hiện qua tâm hành, nó có ý nghĩa là chủ thể và đối tượng cùng câu khởi một lúc. Ý thức là ý thức về cái gì. Khi vui thì có đối tượng để vui. Xem vậy, đối tượng là điều kiện cần để cho sự vật biểu hiện. Tri giác cũng bao hàm cả chủ thể và đối tượng, mỗi khi có một tâm thành biểu hiện thì lúc đó chủ thể và đối tượng phát sinh đồng thời.
Nữ sĩ Huyện Thanh Quan, trong tâm trạng trĩu nặng nỗi lòng hoài cổ khi phải ngắm nhìn những tàn phai của ngoại cảnh qua ngọn gió vô thường. Bà chạnh lòng viết:
“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.
- Đẳng vô gián duyên có nghĩa duy trì sự liên tục, đều đặn bền bỉ. Nếu có sự gián đoạn trong quá trình ý thức thì ý thức sẽ không thể tiếp tục được. Trong chúng ta, ai ai cũng kiện toàn yếu tố vô minh, nhưng đồng thời cũng có yếu tố sáng suốt và giác ngộ. Cũng vì vô minh nên mỗi một chúng ta đều đau khổ và nhờ sáng suốt nên ta có thể giải thoát được. Ý thức đóng vai trò người cầm đuốc soi sáng ngôi nhà tâm thức và soi sáng cả thế giới hiện tượng khách quan. Chính ánh sáng của ý thức mới có thể đem lại cho cuộc đời mỗi người một đời sống hiểu biết thật sự.
Tuy vậy, ý thức thực sự là vô ngã và không vĩnh hằng. Ta thử tưởng, rủi bị té ngã và ngất xỉu thì ngay lúc đó ý thức biến mất, những gì còn lại ở đây là chủng tử, tập khí và nghiệp nằm trong lòng A lại da thức, thậm chí ngay cả khi thân thể này đã yên giấc ngàn thu. Do đó, con người sẽ chìm đắm mãi trong trần gian hay con người sẽ thật sự giải thoát, điều đó còn tuỳ thuộc những chủng tử có còn ô nhiễm, tập khí có còn nặng nề u ám, nghiệp có còn cấu uế nhiều bất thiện, thực sự có còn hiện hữu trong A lại da thức hay không?
Sự chuyển hoá chính là sự chuyên chú vun đắp cho nó có cơ hội biểu hiện trên màng ý thức, đồng thời tổ chức đời sống và môi trường xã hội như thế nào để những hạt giống tiêu cực không còn cơ hội hiện thành. Điều không kém phần quan trọng là A lại da thức vừa mang tính riêng lại vừa mang tính chung, sự chuyển hoá cũng là sự gạn lọc tiếp nhận những thứ tích cực từ tâm thức cộng đồng thì hạt giống hỷ lạc, thương yêu và vô phân biệt được nuôi dưỡng và phát triển. Sự quán chiếu sâu sắc này giúp chúng ta làm chủ được bản thân, chúng ta sẽ không còn là nạn nhân của tập khí. Sự chuyển hóa góp phần tăng cường cho sức mạnh của Định lực, tạo nên sự tự do chọn lựa những gì ta muốn, tạo nên khả năng tự do ý chí.
*
* *
Trong sinh hoạt văn hoá, chúng ta ai cũng thích nghe thơ, đọc thơ và thậm chí làm thơ vì trong chúng ta ai cũng có hạt giống của Tình, của Sầu và của Mộng và cũng bởi vì thơ là tâm nguyện trung thực từ trong sâu thẳm của tình người và lòng người được mang ra để phơi bày những ẩn tình hoài vọng, kể cả hoài vọng một phương trời viễn mộng và đôi khi nó phô bày sống động chứng tích một thời sa đoạ.
Chúng ta không quên nhắc đến nhà thơ Vũ Hoàng Chương, trong một chuỗi thời gian dài của biến chuyển lịch sử, giới hoạt động văn học, thi ca mệnh danh ông là “Nhà thơ say” đã từng sống giữa lòng đời như “cắm thuyền trên sông lạ” . Nhưng đột nhiên trong một bối cảnh đảo điên của thế sự: máu, lửa, bom đạn thù địch đã bức hại các thiền môn. Các thiền sư Quảng Đức (11/6/1963); Thiền sư Nguyên Hương (4/8/1963); Thiển sư Thanh Tuệ (13/8/1963); Thiền sư Diệu Quang (15/8/1963); Thiền sư Tiêu Diêu (16/8/1963); Thiền sư Quảng Hương (5/10/1963); Thiền sư Thiện Mỹ (27/10/1963) đã lần lượt dùng nhục thân làm ngọn lửa cảnh tỉnh bạo quyền, đã tác động đến nguồn cảm hứng, nhà thơ động tâm, nên đã đốt lên ngọn “Lửa Từ bi” hùng tráng thắp sáng cho cuộc đời đang chuyển mình thay đổi.
Ông sinh năm 1916. Đỗ Tú tài Pháp, ban đầu học Luật, sau bỏ học làm việc cho ngành Hoả xa đến chức Phó giám đốc. Một thời gian lại không thích, bỏ đi học Toán, học Toán không thích và cuối cùng làm thơ. Ông tỏ ra có năng khiếu sáng tác thơ, dòng thơ của ông trong thời kỳ này mang nặng dấu ấn tình yêu, một thứ tình yêu trong sáng ngây thơ, e ấp ngại ngùng, có đủ cả ngọt ngào lẫn tuyệt vọng giàu chất lãng mạn. Lúc cô đơn thì thấm đậm nỗi nhớ đến độ như trong mê, ông thổ lộ với trạng thái tâm hồn buồn bã.
“Nắng ngả còn chưa tin là chiều
Lá đổ còn chưa là mùa thu…”
Và khi chia tay thì nỗi buồn cũng chỉ đọng lại một cách nhẹ nhàng trong tâm trạng băn khoăn mù khơi ven trời vạn nẻo cho kẻ ở lẫn người đi.
“Hai ngả lênh đênh trời ngụt khói
Người đi, ta biết trở về đâu?
Bước vào tuổi trưởng thành, ông đi dạy học và làm nhà văn. Năm 24 tuổi, cho xuất bản tập thơ Say. Cuộc sống ông đã có nhiều thay đổi khi tập thơ có nhiều độc giả hâm mộ và ông nổi tiếng từ đó. Chính lúc này, ông có một cuộc sống phóng khoáng quá độ, thường đi nhảy đầm, rượu chè say sưa kể cả làm bầu bạn với nàng tiên nâu, ông kể lại
“Trong men cháy giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời
Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng ngữa
Mà trời mắt Thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngữa
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!”
(Say đi em)
Cuộc sống đó đã tàn phá cả thể xác lẫn tâm hồn, ông mơ hồ quanh ông xã hội dần dần xa lánh, và đau khổ tâm sự.
“Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đời người u uất nỗi chơ vơ
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ
(Phương xa)
Và dự báo trước một tương lai ảm đạm đầy tuyệt vọng cho đời mình
“Thiên thu ngỡ sự nghiệp
Chiều mưa rồi đêm mưa
Gió lùa qua gác xép
Đời tan trong ngõ hẹp”
(Đời tàn ngõ hẹp)
Vào năm 36 tuổi, thời kỳ 1952, ông sáng tác bài Thoát hình. Nội dung của bài thơ nói đến sự thoát hình của một bông hoa, sự có mặt của một bông hoa, trong độ Xuân về
“Rào rạc trong cây nhựa trắng ngần
Đã nghe dồn cả tới đài xuân
Đã nghe rào rạc từng cơn gió
Về mách tin hương với cõi trần”.
Rất tài tình, sau những lần say sưa đến “nghiêng ngữa Thành Sầu”, ông lại có những giờ phút trầm tư sâu lắng mà thuật ngữ Phật học gọi là Chánh niệm, chính trạng thái Chánh niệm giúp ông có thể ngắm nhìn được sự sống lưu chuyển trong vũ trụ, trong lòng đất, trong cả thân cây để có được sự thoát hình của một nụ hoa Xuân và có một linh tính, một tuệ giác mới thấy được sự sống là sự tiếp nối của cái chết và nếu không có cái chết thì không có sự sống. Sống và chết tương tức nhau không thể tách rời nhau, đó là tư tưởng trong kinh Hoa Nghiêm. Ông viết:
“Này phút hồn hoa sắp hiện thân
Nụ đã trên cành đau đớn cựa
Giờ thiêng hấp hối đã nghe gần
Muôn vạn tế bào đang huỷ thể
Vâng theo ý lớn nhịp xoay vần”.
Càng về sau này khi lớn tuổi, nhà thơ đã chuyển hoá dần cái tri vọng của tâm thức và chăm lo tu học. Lúc này, ông đã sang tác bài thơ “Nguyện cầu”. Nội dung bài thơ thể hiện trong nhà thơ có sẵn nhiều yếu tố tuệ giác, nhưng vẫn còn thấy phía trước mờ mờ ảo ảo không biết mình sẽ đi về đâu, chưa thấy được con đường tâm linh nghĩa là chưa kiến đạo.
“Ta còn để lại gì không
Kìa non đá lở này sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xăm dặm về”.
Tuy ông thấy cái vô thường của vạn hữu, giải phóng được sự nô lệ về ý niệm thời gian nhưng còn băn khoăn “cái hữu” của mình, cái linh hồn của mình, có lên cao với trời xanh để làm nơi nương tựa và xa lánh cái trần gian đầy phiền muộn này không?
“Ta van cát bụi bên đường
Dù nhỏ dù sạch đừng vương gót dày
Để ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời”
Năm 1963, lúc ông tròn 47 tuổi. Nếu những năm trước ông đã có thơ Thoát hình, thơ Nguyện cầu, thơ Siêu thoát thì nay những biến động phủ phàng đầy máu và nước mắt của lịch sử dân tộc, con người tiếp tục là nạn nhân của những pháo đài lý thuyết, ý thức hệ của tín điều, của mê hoặc tri vọng… là nhân tố của khổ đau, ông thực sự rút lui vào trong im lặng, và đối diện với nỗi cô đơn heo hút của chính mình, để trầm tư về đạo, điều phục cái tâm, nuôi dưỡng lòng từ. Theo một nghĩa thực tế, lòng từ là đem tình thương của mình để chia sẻ với những điều bất hạnh còn đang quặn quại trong đau khổ. Sâu sắc hơn, bao la hơn: “Mong rằng mọi loài có thở, mọi loài được sinh ra.. mọi người, mọi kẻ cá nhân tính, đều thoát khỏi hận thù, lo âu, được sống trong an lạc” (Kinh Thanh Tịnh Đạo)
Nhưng làm thế nào để thoát khỏi sự hận thù?
Trong hoàn cảnh đó, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã thăng hoa tâm hồn, khiến ông viết “Lửa Từ Bi” để ca ngợi tình huynh đệ thắp lên bằng ngọn lửa Thích Quảng Đức.
Lửa Từ Bi được ông viết trong thời kỳ Phật giáo tranh đấu cho nhân quyền và chống lại mưu đồ chính phủ miền Nam muốn phát triển độc tôn Thiên chúa giáo qua những chính sách đàn áp Phật giáo mà cao trào đưa đến việc Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt. Lửa Từ bi có âm vang rất mãnh liệt, nhưng bài thơ không hề thể hiện trong ông hạt giống hận thù, hạt giống bạo động. Lúc bấy giờ cả 2 miền Nam Bắc đều có chiến tranh, có đổ máu chết chóc khắp nơi và bạo động diễn ra với cường độ khác nhau, nhưng trong lòng nhà thơ vẫn giữ được nguyên vẹn hạt giống Phật tính, nương tựa Bồ đề tâm để không bị lôi cuốn vào dòng xoáy của xã hội đang trong ngập lửa của hận thù, của tham đắm đầy tuyệt vọng.
Thật là mầu nhiệm, nhờ giọt nước cam lồ của Bồ Tát Quan thế Âm đã cứu sống nhà thơ từ một người say sưa nghiện ngập, đau khổ để trở thành con người có Đại hùng, Đại lực với một niềm tin sâu sắc chỉ có Từ bi mới nối lại tình huynh đệ, mới hoà giải hận thù. Bài Lửa Từ bi đã nổi tiếng vượt ra ngoài cả biên giới của đất nước vang xa đến tận trời Tây.
“…Ôi ngọn lửa huyền…
Thế giới ba ngàn, phút giây ngơ ngác
Từ cõi vô minh, hướng về an lạc
Vần điệu thi nhân chỉ là rơm rác
Cũng chí nguyện được làm rơm rác
Thơ cháy lên theo với lời kinh
Tụng cho nhân loại hoà bình
Trước sâu bền vững tình huynh đệ này
Thổn thức nghe lòng trái đất
Mong thành quả phúc về Cây
Nam mô Thích ca Mâu Ni Phật
Đồng loại chúng con nắm tay nhau trào nước mắt
Tình thương hiện tháp chín tầng xây”
(Lửa Từ Bi)
Trong bài Nguyện cầu, nhà thơ đặt dấu hỏi cho mình: “Ta còn để lại gì không”. Thưa nhà thơ rằng có. Ông đã để lại chính mình với tất cả thân – khẩu – ý. Với tư cách nhà thơ, ông đã sáng tác những ý thơ thấm nhuần Phật pháp, hạnh Từ bi lan tỏa rộng xa, đánh thức được nhiều lương tâm còn mê muội hận thù, góp phần nhiều cho cuộc đấu tranh năm đó. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương trong những năm cuối đời thực sự đã thấy được Đạo, đã thấy được con đường “trở về” của mình, ông viết:
“Trông ra bến hoặc, bờ mê
Ngàn thu nữa chớp, bốn bề một phương”.
Đặng Công Hanh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Nguyễn Lang – Việt Nam Phật giáo Sử Luận - NXB Phương Đông 2012
2/ Vũ Hoàng Chương – Lửa Từ Bi – NXB Sài Gòn – 1972
3/ Thích Nhất Hạnh – Bụt là tâm thức - NXB Phương Đông – 2012