Thương về Yên Tử mùa Thu
Yên Tử từng là kinh đô của Phật giáo thời Trần, là cội nguồn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Do đó, với nhiều người, hành hương Yên Tử chính là trở về với chính mình, trở về với nguồn cội thiêng liêng mầu nhiệm.
Tôi đã có duyên đến Yên Tử hai lần, lần đầu vào cuối năm 2008 và lần thứ hai vào mùa thu năm nay, 2014. Hai lần là hai cung bậc cảm xúc khác nhau. Lần đầu như thể cưỡi ngựa xem hoa - tự hào, kính ngưỡng nhưng hời hợt; lần thứ hai, tôi như chạm đến cái thiêng liêng nhất của miền “đất Phật” với hơn ba ngày đêm trải nghiệm ở chốn non thiêng này.
Với tôi, Yên Tử chính là nơi trở về, nơi xa rời những sự náo nhiệt lo toan, nơi tâm hồn thênh thang với núi đồi, khe suối. Hơn 700 trăm, rừng trúc vẫn còn đó, cội tùng vẫn còn đây, và những thân đại già nua vẫn nở những bông hoa thơm tinh khiết, suối Giải Oan vẫn rì rầm lời kinh sám hối như những lời tự tình sâu kín.
Từ suối Giải Oan đến chùa Đồng: Khí thiêng chất ngất
Tương truyền, sau khi vua Trần Nhân Tông xuất gia tu hành khổ hạnh nơi chốn non thiêng này, nhiều cung tần mỹ nữ đã lặn lội đến đây xin vua trở lại triều đình. Nhưng, lòng ngài đã quyết. Đại sĩ dốc chí tu hành, ngài khuyên các cung nữ hãy trở về quê cũ làm lại cuộc đời; những ai muốn ở lại, ngài sẽ cho ra ở làng Nàng, làng Mụ (nay là thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, Uông Bí). Nhiều cung nữ đã trẫm mình xuống dòng Hổ khê để tỏ rõ tấm lòng trung trinh với ngài. Từ đó, Hổ khê được gọi là suối Giải Oan.
Thương xót các nàng, Đại sĩ đã lập đàn siêu độ. Đàn tràng lập phía trên suối chừng trăm mét, sau được dựng thành chùa, gọi là chùa Giải Oan. Một cây cầu đá cũng được bắc qua suối, trông rất chắc chắn, đẹp và cổ kính. Đêm đêm, một mình tôi lang thang trên cầu, lắng nghe nỗi niềm của các nàng cung nữ. Nhưng, có lẽ các nàng đã về với Phật, tôi không cảm được gì ngoài tiếng nước chảy xiết sau mưa và cả bầu khí thiêng chất ngất!
Từ suối Giải Oan, tôi leo từng bậc đá lên chùa. Chùa Giải Oan đã được tu bổ vào năm 1994, nhưng trông chùa vẫn rất cổ kính, trầm mặc như tất cả những ngôi chùa khác trên non thiêng này. Phía sau chùa là những bậc đá tiếp nối, dốc đứng như thử thách lòng người hành hương. Nếu ngại, du khách có thể rẽ trái qua hướng cáp treo lên thẳng đến gần chùa Hoa Yên, và đây cũng là một cách trải nghiệm thú vị, vừa tiết kiệm thời gian, vừa có thể ngắm nhìn cảnh vật, núi non bên dưới.
Tuyến cáp treo này dài 1.204m, dựng năm 2001, là một công trình độc đáo hài hòa giữa kiến trúc truyền thống và kỹ thuật hiện đại trong không gian thiêng và núi rừng hùng vĩ. Vào mỗi độ cuối xuân, trên cáp treo, du khách có thể ngắm nhìn rừng mai nở rộ thơm thoảng dịu dàng, trông như một chiếc y vàng choàng bên triền núi. Tương truyền, khi đức vua Trần Nhân Tông cởi bỏ long bào, rời kinh đô để về chốn non thiêng Yên Tử, lập nên thiền phái Trúc Lâm, ngài đã cùng các đệ tử trồng những cây mai đầu tiên mà người đời sau gọi là “đại lão hoàng mai”, một loại mai vàng độc đáo xứ Bắc chỉ riêng có ở nơi đây.
Rời cáp treo, du khách tiếp tục chinh phục một đoạn dốc đứng để đến khu vườn tháp với ngôi bảo tháp trung tâm là Huệ Quang kim tháp, nơi tôn thờ xá-lợi Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông. Từ đây, du khách tiếp tục lên chùa Hoa Yên. Chùa tọa lạc ở độ cao 535m, là ngôi chùa trung tâm của hệ thống chùa, tháp khu di tích lịch sử và Rừng quốc gia Yên Tử.
Từ đây, du khách có thể tiếp tục leo bộ lên khu An Kỳ Sinh và tượng Điều ngự Giác hoàng, nhưng cũng có thể chọn phương tiện cáp treo để đến chùa Đồng. Tuyến cáp này dài 879m, được xây dựng năm 2007, ga đến cách tượng Điều ngự Giác hoàng chừng 200m. Pho tượng là một công trình rất đáng tự hào về mặt văn hóa, tâm linh lẫn kỹ thuật đúc tượng. Tượng được đúc tại chỗ với công nghệ đúc nổi bằng đồng nguyên khối, cao 15m, nặng 138 tấn. Pho tượng vĩ đại thường ẩn trong mây mù huyền bí, mỗi khi nắng lên, trông tượng ngời sáng như rạng chiếu ánh hào quang.
Tôn tượng Đức Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh: Phúc Lợi
Khu vực An Kỳ Sinh - tượng Điều ngự Giác hoàng, đến chùa Đồng đỉnh thiêng (cao 1.068m), là khu vực linh thiêng nhất của quần thể Yên Tử, do đó khách hành hương phải đi bộ. Đường dốc và khó đi, ngay cả những mùa lễ hội chen chân như nêm, đoạn đường này vẫn chưa bao giờ xảy ra tai nạn đáng tiếc. Phải chăng, lên đến chốn thiêng, khách hành hương đều nhận được sự độ trì của Đức Điều ngự Giác hoàng?
Và đây, đỉnh thiêng Yên Tử! Đứng giữa non cao, tôi như khóc nghẹn bởi niềm cảm xúc dâng trào. Trong tôi vang vang bài ca bất hủ của nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử. Vi vi vu vu Trúc Lâm thiền tự. Thổn thức nỗi lòng ai kẻ tình si. Nước mắt tràn mi tìm người trong mộng…”.“Người trong mộng” mà tôi tìm lâu nay, không ai khác, là chính tôi đó. Giữa chốn thiêng liêng, tôi lại được thắp nén hương đứng trước chùa Đồng, tôi thấy mình được trở về với chính mình, trở về với nguồn cội yêu thương bất tận!
Tùng Lâm yêu thương
Cảm xúc chốn non thiêng có lẽ viết hoài không hết. Nào rừng trúc, hòn ngọc, đường tùng; nào Một Mái, Vân Tiêu, Bảo Sái; nào thác vàng, suối ngự dội, vườn tháp Vọng tiên cung… Tất cả cùng hòa vào cảnh trí thiên nhiên, tạo thành một quần thể thiêng liêng. Để cảm nhận trọn vẹn khí thiêng Yên Tử, bạn có thể chọn những ngày giữa tuần vắng khách ngoài mùa lễ hội để thử một lần hành hương về miền “đất Phật”. Nếu ngại cảnh vắng vẻ, bạn có thể liên hệ với Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm để mời một hướng dẫn viên đi cùng - hoàn toàn miễn phí cho khách đoàn!
Hơn ba ngày đêm tại Yên Tử, tôi đã có dịp tiếp xúc rất nhiều người của Công ty Tùng Lâm. Tất cả họ đều rất dễ mến. Chủ tịch HĐQT, ông Bùi Đình Tuấn là một con người mộc mạc nhưng đầy tâm huyết; Phó Giám đốc Lê Trọng Thanh là một người trẻ tài năng, nhiệt tình…; nhân viên hướng dẫn, trong bộ trang phục màu vàng đất, luôn mỉm cười hoan hỷ… Chính những con người này đã tạo nên sự khác biệt cho Yên Tử so với nhiều điểm du lịch tâm linh khác của Phật giáo. Yên Tử, nhờ đó không có cảnh chèo kéo du khách, không có cảnh ăn xin và hàng quán bát nháo, không có cảnh treo thịt thú rừng trước cửa Phật thiêng liêng…
Tâm sự với chúng tôi, ông Bùi Đình Tuấn cho biết: Mục đích của Công ty Tùng Lâm là nhằm đáp ứng những nhu cầu cần thiết và tốt nhất cho du khách, từ vận chuyển, ăn uống, lưu trú, nghỉ ngơi, dưỡng sinh, giải trí… cho đến bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn, tôn tạo di tích Yên Tử. “Tôi suy nghĩ rất lâu trước khi đặt tên cho công ty; một hôm, ngồi dưới chân núi thiêng, tôi chợt nhớ đến những thân tùng vốn được Đức Giác hoàng trồng cách đây 700 năm hiện vẫn còn sừng sững, nên chọn tên là Tùng Lâm. Và, slogan của chúng tôi là Hành trình trở về chính mình, bởi đây là chốn thiêng, là nơi Đức Điều ngự Giác hoàng chứng ngộ. Hành hương Yên Tử là trở về chính mình!”, ông nói.
Công ty Tùng Lâm được thành lập năm 2001, sau hơn 10 năm hoạt động đã đóng góp khá nhiều cho thánh tích Yên Tử, từ việc mở cáp treo, hỗ trợ chư tôn đức tôn tạo cơ sở hạ tầng, giữ gìn trật tự, vệ sinh công cộng cho đến bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, đặt biệt là văn hóa Phật giáo - dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Phó Giám đốc Lê Trọng Thanh cho biết, hiện tại công ty Tùng Lâm có khoảng 200 nhân viên, trong đó có 10 hướng dẫn viên du lịch miễn phí. “Trong tương lai, đội ngũ này cần phải tăng thêm nhiều nữa để đáp ứng nhu cầu hành hương của du khách”, anh nói. “Chúng tôi tạo nơi ăn chốn ở miễn phí cho nhân viên, hàng năm có các đợt tham quan du lịch, khám sức khỏe định kỳ và bảo hiểm y tế đầy đủ để nhân viên toàn tâm toàn ý phục vụ du khách. Vừa qua, chúng tôi cũng đã kết hợp với Công ty Du lịch Hành Hương Việt (TP.HCM) tổ chức khóa đào tạo cho nhân viên về các kỹ năng phục vụ như bán vé, hướng dẫn, nhà hàng… nhằm xây dựng tính chuyên nghiệp và mang bản sắc văn hóa Phật giáo”.
Lễ truyền đăng trong đêm Gala "Yên tử - đêm thu ca"
do Công ty Tùng Lâm và Công ty Hành Hương Việt tổ chức - Ảnh: Phúc Lợi
Được biết, Công ty Tùng Lâm miễn phí phương tiện cáp treo cho chư tôn đức Tăng Ni và thương binh, người già trên 70 tuổi. Vào mùa hè, công ty còn miễn phí cho các bạn học sinh, sinh viên và trẻ em cao dưới 1,2m. Tính ra, số tiền “công đức” của công ty quả thực không nhỏ!
Thời gian qua, Công ty Tùng Lâm đã tổ chức các khóa dưỡng sinh, yoga, du lịch thiền. Sắp tới, Công ty sẽ mở thêm khu nghỉ dưỡng trị liệu, đặc biệt đã trồng được hơn 700 loại cây thuốc quý cho kế hoạch xây dựng Tuệ Tĩnh đường sắp tới.
Tuy nhiên, ước nguyện lớn lao nhất của Tùng Lâm là “mong muốn Yên Tử được trở lại là kinh đô Phật giáo giống thời Trần” - như tâm sự của Chủ tịch HĐQT Bùi Đình Tuấn.
Quảng Kiến
Nguồn: giacngo.vn